Trường đại học Luật TP.HCM đã chính thức công bố mức học phí mới và thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, trong đó trường vẫn tiếp tục đào tạo chương trình chất lượng cao.
Bộ đã “xóa sổ” chương trình chất lượng cao sao trường vẫn đào tạo?
Sau khi Trường đại học Luật TP.HCM công bố thông tin trên, nhiều người thắc mắc: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư năm 2023 sẽ là năm cuối cùng các trường đại học được tuyển sinh chương trình chất lượng cao. Tại sao nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao trong năm 2024 để thu học phí cao hơn?”
Giải thích về việc này, ThS Lê Văn Hiển – phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM – cho hay tháng 6-2023, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 11/2023 bãi bỏ thông tư số 23/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Việc ban hành thông tư này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo khác nhau, đảm bảo tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định.
Cũng theo ông Hiển, nhà trường đã hoàn thiện đề án đào tạo chất lượng cao theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguồn tuyển của các lớp chất lượng là sinh viên trúng tuyển các ngành đào tạo hệ đại trà của Trường đại học Luật TP.HCM trong cùng năm tuyển sinh.
Đối với sinh viên các ngành đào tạo khác có nguyện vọng theo học lớp chất lượng cao ngành luật tăng cường tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật thì phải có đơn chuyển ngành học và phải đạt điểm xét tuyển theo từng tổ hợp của ngành luật hệ đại trà trong cùng năm tuyển sinh.
“Như vậy, sau khi trúng tuyển vào trường, sinh viên mới được xét vào các lớp chất lượng cao (nếu có nhu cầu). Điều này không giống như cách nhiều trường đại học quy định điểm trúng tuyển đầu vào chương trình chất lượng cao khác với hệ đại trà”, ông Hiển nói.
Chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo sinh viên các lớp chất lượng cao nằm trong tổng chỉ tiêu đã xác định trong năm tuyển sinh của trường và được bố trí cụ thể: không quá 60 sinh viên/lớp (lớp chất lượng cao ngành luật), không quá 50 sinh viên/lớp (lớp chất lượng cao ngành quản trị – luật, quản trị kinh doanh và các ngành đào tạo khác) và không quá 30 sinh viên/ lớp (lớp chất lượng giảng dạy bằng tiếng Anh).
“Đào tạo chất lượng cao là chương trình tinh hoa”
Ông Hiển cho biết thêm: “Trong nhiều năm qua, các chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học của Trường đại học Luật TP.HCM đã thể hiện sự ưu việt và đạt được nhiều thành công. Đây là những chương trình tinh hoa mà bản chất là sự nâng cao về chất của chương trình đào tạo chuẩn của nhà trường.
Trong đó, các môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật) chiếm tỉ trọng từ 20% đến 90% khối lượng học tập của chương trình đào tạo; sinh viên được đặc biệt phát triển kỹ năng ngoại ngữ pháp lý, phòng học theo chuẩn quốc tế và thực hành nghề nghiệp.
Trong suốt thời gian học tập, sinh viên được trao đổi, thảo luận với đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước, có học hàm, học vị cao; đã từng học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực giảng dạy. Toàn bộ sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao sớm có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và nhận được phản hồi tích cực”.
Vẫn được đào tạo chương trình chất lượng cao
Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc bãi bỏ thông tư 23 về đào tạo chất lượng cao theo mô hình cũ không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.
Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các trường đại học. Các trường đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các trường. Các trường đã và đang đào tạo các chương trình như chương trình kỹ sư tài năng, chương trình tiên tiến… vẫn tiếp tục thực hiện bình thường, riêng việc thu học phí thực hiện theo quy định của Chính phủ.