Ông Hoàng Mạnh Long đầu tư nuôi cá rồng có tiếng tại huyện Củ Chi, TP HCM. Nhờ nuôi cá rồng (ví như loài cá quý tộc), liên tục mở rộng quy mô và mới đây làm thêm du lịch mà cả vùng quê ấp Mít Nài, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi được nhờ.
Đại gia Sài Gòn là nông dân kiếm tiền tỷ từ nuôi cá rồng
TP.HCM đang trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất.
Bắt nhịp xu hướng này, một số nông dân ở vùng ngoại thành đã đầu tư công nghệ vào vườn hoa, cây kiểng, cá cảnh… mỗi năm thu về nhiều tỷ đồng.
Đặc biệt, các dự án còn giúp nông dân trong vùng tăng thu nhập, thoát nghèo và biến những vùng quê thành nơi đáng sống.
Chúng tôi đến trang trại Cá Rồng Hồng Anh của ông Hoàng Mạnh Long nằm tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi và choáng ngợp trước độ hoành tráng của trang trại cá rồng. Đây vừa là nơi trưng bày, giới thiệu cá rồng vừa nơi nhân giống bán ra thị trường.
Cá rồng được mệnh danh là cá nhà giàu, cá quý tộc, giá bán trên thị trường rất cao. Ông Long là người sở hữu trang trại cá rồng có quy mô lớn nhất TP.HCM.
Chỉ vào những con cá bạch long, hoàng long có kích thước nhỏ, ông cho biết giá trị đã chục triệu đồng. Những con có kích thước lớn, đẹp, giá bán trên thị trường còn cao hơn, lên đến vài chục triệu, cả trăm triệu đồng.
Nông dân Sài Gòn nuôi cá rồng-loài quý tộc: Ông Hoàng Mạnh Long bên bể kính cá rồng trong suốt phục vụ khách tham quan, chụp ảnh ở ấp Mít Nài, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi (TP HCM). Ảnh: Thúy Liên
“Tôi đã nuôi cá rồng được hơn 20 năm. Các kinh nghiệm từ nhân giống, nuôi dưỡng đảm bảo sao cho đẹp nhất đều tường tận. Hiện cá rồng ở trang trại được bán cho khắp nơi trên cả nước”, ông Long nói.
Trang trại cá rồng Hồng Anh là nơi nhân giống cá rồng lớn nhất TP.HCM hiện nay. Ảnh: Thúy Liên
Chủ trang trại cũng xác nhận cá rồng có giá trị kinh tế cao, do đó, doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ đồng. Ông cũng cho biết nhu cầu từ thị trường, nhất là các loại cá cảnh vẫn rất tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để trang trại tiếp tục nhân giống.
Nhờ có kinh nghiệm nuôi cá rồng và quy mô liên tục lớn mạnh, trang trại đã giải quyết việc làm cho hơn chục lao động tại địa phương.
Các nông dân trong vùng được đào tào về kỹ thuật chăm sóc, sinh sản… để cho ra những con cá rồng đẹp nhất. Thu nhập mỗi người lao động khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, nhiều người đã có công việc ổn định hơn chục năm qua.
Biến vùng quê thành nơi đáng sống
Mới đây, ông Hoàng Mạnh Long đã quyết định đầu tư, đưa trang trại cá rồng của mình trở thành điểm đến du lịch sinh thái tại Củ Chi. Khu du lịch sinh thái Vùng Đất Rồng nằm trong khuôn viên có diện tích hơn 11.000m2 tại đường Kênh Đông, ấp Mít Nài, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.
Khu du lịch sinh thái Nông trại cá rồng Hồng Anh có quy mô lớn, tượng cá khổng lồ khiến nhiều khách thích thú. Ảnh: Thúy Liên
Khu du lịch có khu hồ nuôi, khu triển lãm cá rồng, khu thú cưng, khu vườn nhiệt đới, công viên nước thu nhỏ. Nông trại mang đậm nét đặc trưng của vùng sản xuất nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm.
Khách đến chỉ cần mua nước uống từ 50.000 đồng là có thể thỏa sức trải nghiệm các dịch vụ.
“Do thấy địa phương ít các địa điểm vui chơi, trong khi trang trại cá rồng có diện tích lớn, vị trí đẹp, cá đẹp nên tôi quyết định đầu tư bài bản, đầu tư thêm nhiều hạng mục mới để làm du lịch, tạo điểm đến cho bà con vui chơi”, ông Long nói.
Khu du lịch này giúp người dân huyện Củ Chi có địa điểm vui chơi, giải trí vừa giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác. Hiện nay, mỗi sáng có hơn chục người tại xã đến khu du lịch làm việc. Nam, nữ thanh niên tập trung bán vé, bán nước, người lớn tuổi U40 phụ trách dọn dẹp, bếp núc. Thu nhập trung bình mỗi người 7-10 triệu đồng/người.
Nông trại có nhiều khu vực khác nhau, giúp người dân tại huyện Củ Chi có điểm vui chơi, giải trí. Ảnh: Thúy Liên
Sự đầu tư mô hình du lịch này của ông Long bước đầu đạt hiệu quả. Cuối tuần, rất nhiều người dân tại huyện Củ Chi và khu vực lân cận đều đổ về đây để vui chơi.
Đây là một trong những mô hình điểm, hiệu quả tại huyện Củ Chi về phát triển nông nghiệp theo các mô hình mới giúp nông dân làm giàu, bà con trong vùng có thu nhập ổn định, đồng thời, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân địa phương theo hướng giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi cho biết nghe các cháu rủ đến chơi thì bất ngờ trước khu du lịch.
Bà khen con đường dẫn vào khu du lịch, dù là đường nông thôn, đường nội đồng, đường kênh nhưng rất đẹp, thông thoáng, xe ô tô chạy vù vù. Đây là thành quả của nhiều năm huyện Củ Chi tập trung xây dựng nông thôn mới. Ngoài đường sá thuận lợi, ngày càng có nhiều địa điểm để người dân trong vùng vui chơi giải trí.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giao thông, đường sá tại huyện hiện nay rất thuận lợi. Việc này giúp bà con đi lại dễ dàng, đồng thời, kết nối đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến Củ Chi tham quan. Việc phát triển du lịch giúp kéo dài chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nông dân.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết TP.HCM đang tập trung phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn nhằm giúp nông dân có thu nhập tốt, đưa vùng nông thôn thành phố trở thành nơi đáng sống.
UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, địa phương xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải...) tại các làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa của từng khu vực.
Nguồn: https://danviet.vn/dai-gia-sai-gon-la-ong-nong-dan-nuoi-ca-quy-toc-mo-diem-du-lich-khach-lon-khach-nho-dang-vao-xem-20250214175413657.htm
Bình luận (0)