Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. |
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, theo chương trình Kỳ họp, chiều nay và ngày mai, Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận 5 nội dung.
Cụ thể là: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cần cải thiện, tăng năng xuất lao động
Tại phiên họp, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.
Đại biểu lo ngại, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung ba nguyên nhân nêu tại Báo cáo số 577 của Chính phủ, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Về độ mở của nền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng mong các vị ĐBQH quan tâm, ủng hộ quy định này.
Về vấn đề tăng năng suất lao động, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng cho biết, bước vào năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một số thành tích nổi bật như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra… Đối ngoại tiếp tục có kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Song song với đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm… Tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân.
Bày tỏ thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2024, ông Phương đề nghị quan tâm cải thiện, tăng năng xuất lao động, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh
Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trong thời gian tới, đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.