TRÀ VINH Trà Vinh đặt mục tiêu năm 2025 có 6.000ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, trong đó đặc sản dừa sáp được đặc biệt chú trọng để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Dừa sáp rộng cửa sang thị trường tỷ dân
Dừa sáp có mặt tại Trà Vinh gần 100 năm qua nhưng đến năm 2000 mới chính thức được công chúng biết đến rộng rãi, trở thành trái cây đặc sản của huyện Cầu Kè.
Đến nay, diện tích dừa sáp của tỉnh đạt hơn 1.270ha (chiếm 4,67% diện tích dừa toàn tỉnh). Trong đó có 31ha dừa sáp nuôi cấy phôi, 70ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực. Đối với dừa sáp thường, tỷ lệ cho sáp từ chỉ từ 20 – 30%, còn dừa sáp nuôi cấy phôi tỷ lệ cho sáp lên tới 75 – 80% tổng số trái/buồng, giá trị kinh tế cao gấp 10 lần dừa thường.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện dừa sáp Trà Vinh chủ yếu được bán trái tươi, doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia chuỗi sản xuất, thêm vào đó giá cả lại chưa ổn định. Nguồn tiêu thụ dừa sáp của nhà vườn chủ yếu qua thương lái thu mua nhỏ lẻ tại địa phương theo thị trường tại từng thời điểm, chưa có bao tiêu hay liên kết lâu dài giữa nhà vườn với doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 – 2025, Trà Vinh đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường thông qua các kênh công nghệ như sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo… nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến khách hàng quốc tế.
“Trong tháng 10 này, tỉnh sẽ tiếp đoàn Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc để xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dừa và dừa sáp. Mục tiêu là quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh và thúc đẩy xuất khẩu dừa, dừa sáp sang thị trường tỷ dân, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại song phương. Ngoài ra, tỉnh cũng giới thiệu tiềm năng và lợi thế đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc để kêu gọi đầu tư, tăng cường kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Trung Quốc”, ông Đông cho hay.
Theo ông Đông, dừa sáp Trà Vinh đã được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Theo đó, ngày 5/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận cây dừa sáp trồng tại tỉnh Trà Vinh là “Cây dừa Việt Nam”. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Quả dừa sáp Trà Vinh” cũng như nhãn hiệu chứng nhận “Dừa sáp Trà Vinh” và logo chỉ dẫn địa lý nhằm thiết lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm dừa sáp của tỉnh Trà Vinh trên thị trường quốc tế.
Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ dừa sáp, trong đó có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Điển hình như Cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng (khóm 2, thị trấn Cầu Kè) đã liên kết cung ứng qua trung gian cho 2 doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre và Bình Dương để xuất khẩu sản phẩm dừa sáp trái với số lượng hàng ngàn trái mỗi năm.
HTX dừa sáp Hòa Tân (với 43 thành viên, tổng diện tích dừa sáp 32ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 25,2ha, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao) liên kết với các doanh nghiệp, nhà vườn cung ứng khoảng 2 triệu trái dừa sáp mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế, tập trung nhiều ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Trong năm 2023, HTX còn ký kết cung ứng cho 2 doanh nghiệp ở Bến Tre và TP.HCM để tăng đáng kể lượng dừa sáp được tiêu thụ.
Theo lịch tiếp Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn sẽ có chuyến thăm khu vực sản xuất của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). Đây là doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tại huyện Cầu Kè, là đơn vị tiên phong và duy nhất tại Việt Nam chuyên chế biến đa dạng các sản phẩm từ nguyên liệu đặc sản dừa sáp Cầu Kè.
Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Vicosap cho biết: “Chúng tôi không chỉ chú trọng đến việc chế biến các sản phẩm từ dừa sáp mà còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng phẩm màu, hóa chất, chất tẩy trắng hay chất bảo quản trong chế biến”.
Vicosap đã thực hiện tốt các tiêu chuẩn chất lượng và được cấp chứng nhận ISO 9001:2015, ISO 22000:2018, HACCP, FDA và HALAL. Các sản phẩm từ dừa sáp của Vicosap đã được khách hàng trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao. Hiện tại, sản phẩm của Vicosap đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông… Bà Tú khẳng định các sản phẩm của Công ty đủ điều kiện chinh phục thị trường Trung Quốc.
Phấn đấu có 6.000ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế
Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, việc xúc tiến xuất khẩu trái dừa sáp sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn để hiện thực hóa chiến lược nâng cao giá trị trái dừa sáp của tỉnh. Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến sự phát triển vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, Trà Vinh kêu gọi hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế cũng như bạn bè gần xa.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Địa phương luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ thực hiện thành công các dự án, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây dừa sáp trong tương lai.
Để đảm bảo vùng nguyên liệu, tỉnh sẽ mở rộng thêm 550ha dừa sáp đặc sản, đồng thời quy hoạch vùng trồng, đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ và VietGAP, áp dụng công nghệ giống tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh thường xuyên tổ chức tập huấn canh tác theo hướng hữu cơ để đảm bảo sản phẩm dừa sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Trà Vinh đã ban hành các chính sách hỗ trợ các tổ chức và cá nhân trong việc áp dụng công nghệ sản xuất giống dừa sáp, đồng thời triển khai chuyển đổi số để đảm bảo giao dịch minh bạch. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Đánh giá về cơ hội vươn ra biển lớn của dừa sáp Trà Vinh, ông Cao Bá Đăng Khoa – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam lưu ý, cần phải tạo nhiều lớp bảo vệ thương hiệu khi ra thị trường quốc tế từ thân cây dừa, giống cây dừa đến sản phẩm từ cây dừa. Không những bảo vệ trong nước, còn phải được bảo vệ ở tầm quốc tế để tránh bị gian lận thương mại như các cây trồng khác.
Ông Khoa đề xuất trước tiên cần có các nghiên cứu cấp quốc gia, kết hợp với các trường đại học danh tiếng trên cả nước để phát triển dừa sáp thành thương hiệu độc quyền. Sau đó, địa phương sẽ áp dụng kết quả nghiên cứu này để xây dựng chương trình hành động và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia phát triển. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm từ dừa sáp hiện có mà cần phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để gia tăng giá trị của loại dừa này.
Đến nay, Trà Vinh đã có khoảng 5.100ha dừa hữu cơ. Diện tích dừa hữu cơ đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 10 – 15%. Hiện đã có trên 1.240ha dừa đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 8.000ha dừa trồng theo hướng hữu cơ, trong đó có 6.000ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/dac-san-dua-sap-tra-vinh-san-xuat-huong-huu-co-huong-thi-truong-ty-dan-d402068.html