Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới với gần 200.000 hecta. Dù sở hữu tiềm năng lớn song ngành dừa Việt Nam vẫn chưa phát huy hết lợi thế.
Đây là nội dung được bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo “CocoNext 2024: Nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam” ngày 12-12. Sự kiện diễn ra tại tỉnh Bến Tre do Hiệp hội Dừa Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) tổ chức.
Tìm cách đánh thức tiềm năng ngành dừa
Theo bà Kim Thanh, ngoài uống nước, ăn cơm dừa trực tiếp, dừa còn có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác như dầu dừa, sữa dừa, mỹ phẩm. Lá, thân cây và vỏ quả dừa là nguyên liệu để sản xuất phụ kiện, đồ trang trí… Mọi bộ phận của cây dừa có thể sử dụng được, không bỏ đi phần nào.
Không chỉ mang giá trị kinh tế, theo các diễn giả tại sự kiện, cây dừa còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, một hecta dừa mỗi năm có thể hấp thụ khoảng 75 tấn CO2.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050, giá trị của cây được dự đoán sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai thông qua việc khai thác tiềm năng bán tín chỉ carbon.
Mặc dù vậy, theo bà Kim Thanh, ngành dừa vẫn còn hạn chế trong khai thác giá trị gia tăng, năng suất chưa thật sự cao. Nguyên nhân là công nghệ chế biến còn yếu, liên kết chuỗi giá trị lỏng lẻo. “
Việc xây dựng một chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững là mục tiêu hàng đầu để phát triển ngành dừa Việt Nam”, chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam nhấn mạnh.
Kỷ nguyên mới cho ngành dừa
Để ngành dừa phát triển bền vững, ông Cao Bá Đăng Khoa, phó tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động quyết liệt như xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành dừa. Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng, khằng định vị thế dừa Việt Nam.
Trong khi đó, bà Đặng Huỳnh Ức My, chủ tịch HĐQT Betrimex – cho biết, với chủ đề nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam, hội thảo CocoNext 2024 đánh dấu thông điệp khởi đầu cho sự thay đổi toàn diện của ngành dừa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bà My cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy xuất khẩu, tối ưu chuỗi giá trị, phát triển bền vững toàn ngành.
Ông Nuwan Chinthaka – phó chủ tịch Cộng đồng dừa quốc tế – đánh giá cao ngành dừa Việt Nam. Ông cho biết giá trị xuất khẩu ngành dừa đang tăng nhanh do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa của thế giới tăng cao. So với một số nước trong khu vực, ngành dừa Việt Nam còn khá non trẻ và còn nhiều cơ địa để phát triển.
Ông cũng gợi ý Việt Nam phát triển các giống dừa chịu hạn, ứng dụng kỹ thuật thu hoạch bền vững để ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển tour tham quan trang trại, workshop chế tác đồ thủ công từ dừa còn giúp thúc đẩy du lịch nông thôn, gia tăng giá trị kinh tế. Đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần chú trọng tận dụng phụ phẩm từ cây dừa.
Các diễn giả tại hội thảo cũng cho rằng để ngành dừa phát triển bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền, và các tổ chức nghiên cứu.
Theo các diễn giả, ngành dừa Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt bậc chưa từng có với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 280 triệu USD năm 2010 lên 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thị trường quốc tế.
Cây dừa đã được quy hoạch là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực, với định hướng phát triển rõ ràng trong đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2030.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cay-dua-chong-bien-doi-khi-hau-nhieu-tiem-nang-ban-tin-chi-carbon-20241212143359219.htm