TP HCMChị Bình, 34 tuổi, bị nóng mặt, ngứa rát da, sau đó xuất hiện các mảng bầm đỏ trên hai má sau khi đắp mặt nạ nghệ tại spa.
Chị Bình cho biết tiền sử bị dị ứng nứt da, sưng đỏ mặt khi thoa nghệ tươi lên mặt để giảm viêm và thâm do mụn trứng cá. Lúc nhỏ, bác sĩ chẩn đoán da chị bị dị ứng với nghệ, nhưng có thể ăn và uống nghệ.
Lần này, nhân viên spa đắp mặt nạ nghệ cho chị mà không báo trước. Khi mặt nóng rát, ngứa châm chích, chị hỏi nhân viên mới phát hiện sự việc. Sau khi rửa sạch mặt, các triệu chứng bớt. 2-3 ngày sau, da hết ngứa nhưng bầm đỏ nhiều vệt ở hai bên má, cằm.
Ngày 8/1, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chẩn đoán người bệnh bị viêm da tiếp xúc dị ứng với thành phần của nghệ trong mặt nạ dưỡng da, gây xuất huyết dưới da.
Dị ứng mỹ phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân dị ứng trong thành phần mỹ phẩm. Phản ứng này giải phóng nhiều loại hóa chất trung gian như histamine, serotonin… gây triệu chứng dị ứng từ nhẹ đến nặng.
Theo bác sĩ Bích, nghệ giàu curcumin – chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Nghệ cũng giúp da sáng, đều màu và tăng cường độ ẩm, giảm thâm nám, sẹo mụn, se khít lỗ chân lông. Nghệ cơ bản lành tính và lâu nay trở thành gia vị phổ biến trong ẩm thực, các bài thuốc và được chiết xuất để sử dụng trong một số mỹ phẩm. Tuy nhiên, người có làn da nhạy cảm với nghệ như chị Bình có thể bị phản ứng dị ứng. Điều này giống như một số người dị ứng với thực phẩm quen thuộc như trứng, đậu phộng…
Bác sĩ kê thuốc bôi có thành phần chống dị ứng và tan máu bầm dưới da cho chị Bình. Sau 5 ngày thoa thuốc, mỗi lần bôi một lớp mỏng và rửa sạch sau 15 phút, da của chị hết dị ứng.
Dấu hiệu dị ứng thường gặp nhất là cảm giác ngứa ran kèm nóng rát cục bộ, xảy ra trong vài phút đến khoảng vài giờ sau khi dùng mỹ phẩm. Da có thể bị sưng đỏ, phù nề ở các vùng da mỏng hơn như mí mắt, má, môi hoặc lan ra khắp mặt. Các mảng hồng ban xuất hiện ở vùng bôi mỹ phẩm, kèm theo mụn nước và ngứa.
Dị ứng nặng, có thể xuất hiện mụn nước hoặc bóng nước. Sau vài ngày, vùng da đỏ bị sạm, nám, có đốm nâu, tăng sắc tố; da nổi mụn trứng cá; khô, bong tróc… Nếu dị ứng thời gian dài có thể biến chứng thành chàm tiếp xúc (viêm da tiếp xúc) với các mảng hồng ban giới hạn rõ kèm theo mụn nước, lở da và ngứa.
Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay sau khi da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng như mặt nạ, kem dưỡng da, xà phòng, dầu gội, nước hoa, phấn trang điểm, son… Tùy theo cơ địa và mức độ nhạy cảm của mỗi người, biểu hiện dị ứng có thể chậm hơn với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Hầu hết trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng tự khỏi trong vài ngày hoặc vài tuần khi ngưng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, bác sĩ Bích cho biết một số trường hợp hiếm gặp có thể bị nặng hơn, như khó thở, sốc phản vệ…
Để giảm nguy cơ dị ứng mỹ phẩm mới, khi dùng lần đầu, bác sĩ Bích khuyến cáo người dùng nên thử phản ứng trước trên một vùng da nhỏ. Khi đi chăm sóc da ở các cơ sở spa, cơ sở y tế nên thông báo từ đầu với nhân viên về các chất mà mình hay dị ứng, đồng thời hỏi kỹ về sản phẩm được sử dụng trong liệu trình.
Khi xuất hiện biểu hiện bất thường trên da, người bệnh nên nhanh chóng làm sạch lớp mỹ phẩm đang tồn đọng trên da. Trường hợp dị ứng nhẹ, chỉ cần rửa sạch da và ngừng sử dụng chất nghi dị ứng, các triệu chứng giảm dần và hết hẳn. Trường hợp da bị kích ứng gây ngứa, đau rát, sưng phù nhiều, có thể làm dịu da tạm thời bằng cách chườm lạnh và đến bác sĩ da liễu để được điều trị phù hợp.
Người bệnh không nên tự điều trị bằng thuốc chống dị ứng tại nhà. Tự sử dụng thuốc là một trong những nguyên nhân khiến dị ứng chuyển biến xấu, đồng thời làm tăng nguy cơ tổn thương da không hồi phục.
Người bệnh cũng không nên chà xát, gãi vùng da bị kích ứng và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì da đang trong giai đoạn dễ tổn thương.
Anh Thư