Công viên sẽ nằm ở khu đất ven biển ngã ba đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, tập trung tất cả linh vật rồng Tết Giáp Thìn để người dân, du khách đến check-in.
Ngày 16/2, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết đã tham mưu lãnh đạo thành phố làm công viên linh vật rồng tại khu đất phía tây bắc đường Võ Văn Kiệt và đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. Khu đất rộng 2,8 ha, được quy hoạch dự án Trung tâm Tài chính. Sở Xây dựng đề xuất dành một phần đất của dự án để tập trung linh vật rồng tại các điểm trang trí Tết 2024 về đây, tạo điểm check-in mới.
“Khu đất này chưa thực hiện dự án, đang nhếch nhác, mất mỹ quan, nếu làm công viên linh vật rồng ngoài tạo điểm đến mới còn giúp cải thiện đáng kể cảnh quan ven biển”, ông Phong nói.
Tết Giáp Thìn 2024, linh vật rồng của Đà Nẵng khá đa dạng, như tượng rồng chuyển động, có thể phun lửa, phun nước kèm theo âm thanh, ánh sáng tại đuôi cầu Rồng; rồng dài 60 m tại đầu cầu Rồng; 3 linh vật có hiệu ứng điện chiếu sáng; 100 trứng và rồng con…
Trước đó Tết Quý Mão 2023, các linh vật mèo sau khi kết thúc trưng bày tại các điểm trang trí hoa xuân đã được tặng cho trường mầm non. Năm nay, các linh vật rồng lớn, hình tượng uy nghiêm, nên theo Sở Xây dựng thành phố rất khó bố trí tại trường học. Tượng rồng được làm chủ yếu từ gỗ hoặc xốp, khung thép, tuổi thọ 1-2 năm, có thể dễ dàng sửa chữa. Công viên linh vật rồng là tạm thời trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Trung tâm Tài chính.
Riêng linh vật rồng bằng gốm Bát Tràng cao 5,2 m, nặng hơn 400 kg, thiết kế theo nguyên mẫu rồng thời Lý do họa sĩ Bùi Văn Kiên (Hà Nội) sáng tác, nghệ nhân làng nghề Bát Tràng thực hiện từ hơn 1.800 chi tiết gốm trong 4 tháng, đang trưng bày tại cầu chữ T sẽ được giữ lại lâu dài.
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết linh vật này có nhiều ý nghĩa với thế rồng bay lên, uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho ba miền Bắc – Trung – Nam với mong ước đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế – xã hội; tay trên cầm viên ngọc phía trong có bản đồ Việt Nam.
Trước mắt, thành phố đặt linh vật rồng gốm tại cầu chữ T đến hết năm 2024, sau đó sẽ lựa chọn địa điểm khác để trưng bày cố định. “Chúng tôi cũng tính đến việc đặt tượng trong khu di tích quốc gia thành Điện Hải sau khi hoàn thành trùng tu giai đoạn 2”, ông Phong nói thêm.
Năm nay Đà Nẵng có 15 điểm trang trí hoa truyền thống, 6 điểm trang trí hoa và điện chiếu sáng, tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Ban Đô thị (HĐND TP Đà Nẵng) đang đề xuất thành phố duy trì điểm trang trí hoa xuân này đến hết Tết Nguyên tiêu để người dân và du khách tham quan.