Đà Nẵng tháng 4/1975, chiến tranh đi qua, công cuộc kiến thiết lại quê hương nhanh chóng được triển khai. Khắc phục khó khăn, bắt tay khôi phục sản xuất, Đà Nẵng vận dụng một cách sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Kết quả, giai đoạn 1986-1996, kinh tế tăng trưởng bình quân 8,15%/năm, với tổng sản phẩm xã hội năm 1996 đạt 2.298 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 1985.
Ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hơn 3 năm sau, ngày 29/3/2000, Đà Nẵng khánh thành, đưa vào sử dụng cây cầu sông Hàn nối đôi bờ Đông – Tây.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 95 tỷ đồng, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố đóng góp hơn 7 tỷ đồng… Những hình ảnh nhếch nhác, tạm bợ của hàng trăm nhà chồ bên bờ Đông sông Hàn dần lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho những phố mới thênh thang, những khu du lịch ven biển đẳng cấp quốc tế.
Từ chỗ quay lưng với biển, Đà Nẵng đã bắt tay vào kiến thiết lại đô thị để có 2 mặt tiền là biển, và làm cho sông Hàn ngày càng lung linh hơn.
Khi ấy, công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, với chủ trương “khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng”, theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”...
Hơn 110 ngàn hộ dân chấp nhận di dời, giải tỏa để thành phố sắp xếp lại không gian đô thị...
Sau cầu sông Hàn – biểu tượng của “Ý Đảng - Lòng dân”, hàng loạt cây cầu khác đã nối đôi bờ … và Đà Nẵng giờ đây được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là thành phố của những cây cầu.
Đặc biệt, Lễ hội pháo hoa quốc tế hằng năm – thương hiệu riêng có của Đà Nẵng đã thắp sáng bầu trời đêm; góp phần đưa thành phố trở thành điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội.
Sau khi được công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia vào năm 2003, cũng là thời điểm Đà Nẵng bắt tay thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Với một đô thị mới như Đà Nẵng thì đó như “thanh bảo kiếm” giúp thành phố có bước phát triển mới và khẳng định thương hiệu của mình. Đáng chú ý là đến năm 2018:
- Không gian đô thị của Đà Nẵng tăng lên gần 20 ngàn hecta, gấp 3 lần so với thời điểm 2003.
- Kinh tế tăng trưởng bình quân 9,8%/năm và giá trị năm 2018 tăng 4,2 lần so với năm 2003, đạt 63.960 tỷ đồng.
- GRDP bình quân đầu người tăng gần gấp 7 lần, đạt 82,8 triệu đồng.
- Các chương trình thành phố “5 không”, thành phố “3 có”, thành phố 4 an, với tính nhân văn vượt trội đã trở thành thương hiệu riêng có…
Ngay sau Nghị quyết 33, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 43, Kết luận 79 về phát triển Đà Nẵng và thành phố. Quốc hội cũng lần lượt có các nghị quyết 119 và 136 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù với kỳ vọng Đà Nẵng tạo nên những bứt phá mới. Trong đó, việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và hình thành trung tâm tài chính khu vực là chưa từng có tiền lệ.
Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế thành phố đạt hơn 151.300 tỷ đồng. Tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người hơn 4.700 USD/người. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 27.285 tỷ đồng, vượt hơn 41% dự toán. Để tạo đà cho chặng đường mới, năm 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Tổng thu ngân sách phải đạt mức trên 30 nghìn tỷ đồng…
Nhiều dự án lớn đã và sẽ được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 150.000 tỷ đồng…
Tròn nửa thế kỷ sau ngày quê hương giải phóng, Đà Nẵng đã viết nên câu chuyện đầy tự hào với những đổi thay kỳ diệu.
Trước vận hội mới, Người Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm tạo bứt phá mới theo hướng bền vững, cùng cả nước bước vào chặng đường mới./.
Văn Hùng, Hoàn Vũ
Nguồn: https://danangtv.vn/view.aspx?ID=156577
Bình luận (0)