Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp tục tuyên truyền, giám sát việc ngừng chăn nuôi trong khu dân cư, khu vực nội thành

HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND quy định khu vực nội thành của thành phố, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, đến nay chủ trương của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng01/04/2025

Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có tổng số 50 hộ chăn nuôi; trong đó 8 hộ đã chấm dứt chăn nuôi hoàn toàn, 42 hộ đang còn chăn nuôi với số lượng 196 con bò, 30 con heo, 5.170 con gà, 718 con vịt. Ông Nguyễn Thiện Chương, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, thời gian qua địa phương tích cực tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân trong khu vực không được phép chăn nuôi thực hiện theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND, có lộ trình giảm đàn và chuyển đổi nghề; đồng thời tổ chức ký cam kết, quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, không để phát sinh cơ sở chăn nuôi mới.

“Các hộ chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực trong quản lý hoạt động chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tại địa phương có đa phần là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, xen ghép trong khu dân cư, hoạt động tại khu vực gần nơi ở để tận dụng cơ sở vật chất, nguồn thức ăn tại chỗ. Do đó phường tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi cũng như đề xuất mức hỗ trợ di dời đến địa điểm phù hợp”, ông Chương nói.

Được biết, toàn quận Liên Chiểu hiện có 366 hộ hoạt động chăn nuôi với số lượng 5.789 con gia súc và 29.946 con gia cầm. Thời gian đến, UBND quận tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết, trong đó đặc biệt là thành lập các tổ xử lý vi phạm về chăn nuôi; phối hợp với các địa phương, đơn vị giáp ranh xử lý tình trạng gia súc thả rông trên địa bàn.

Tại quận Cẩm Lệ, hiện có 53 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng 500 con gia súc, 3.130 con gia cầm; có 32 hộ nuôi chim yến, trong đó 6 hộ nghỉ nuôi, còn 27 hộ có hoạt động nuôi chim yến. Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay, qua công tác vận động và tổ chức ký cam kết thực hiện ngừng hoạt động chăn nuôi (chuyển đổi nghề) hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến nay 100% số hộ chăn nuôi tại địa phương đã ký cam kết. UBND các phường cũng tăng cường thông tin về nội dung của Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND, trong đó trọng tâm là về các khu vực không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến, các chính sách hỗ trợ và các văn bản pháp luật quy định đối với hoạt động chăn nuôi.

“Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế là một số chủ hộ gặp khó khăn về đời sống khi chấm dứt chăn nuôi vì đã lớn tuổi, thu nhập chủ yếu dựa vào hoạt động chăn nuôi, không đủ khả năng và điều kiện để chuyển đổi sang ngành nghề khác. Quận Cẩm Lệ tiếp tục triển khai lộ trình ngừng chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi chim yến giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không sử dụng loa phóng phát âm thanh (nhà yến cách khu dân cư dưới 300m)”, ông Hậu thông tin.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND, theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 15 hộ, cơ sở nuôi chim yến (nhà yến) ngừng hoạt động. Số cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ngừng hoạt động chăn nuôi là 365 hộ (Hòa Vang 45 hộ, Ngũ Hành Sơn 261 hộ, Cẩm Lệ 4 hộ, Liên Chiểu 55 hộ).

Bên cạnh đó, số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đăng ký, ký cam kết ngừng hoạt động chăn nuôi nhưng do một số nguyên nhân (chưa bán hết con vật nuôi, đang thực hiện giảm đàn) nên chưa ngừng là 436 hộ (Ngũ Hành Sơn 92 hộ, Cẩm Lệ 49 hộ, Liên Chiểu 295 hộ). Trong công tác tuyên truyền, các địa phương, đơn vị đã thực hiện in ấn và cấp phát 2.300 tờ rơi, 125 tờ áp phích về nội dung nghị quyết; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn… đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Môi trường), Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý hoạt động chăn nuôi nói chung và nuôi chim yến nói riêng trên địa bàn thành phố; điều chỉnh giảm quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm môi trường sinh thái trên địa bàn thành phố.

Các hộ có hoạt động chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi đã đồng thuận, hưởng ứng, chấp hành tốt chủ trương của thành phố. Ngoài ra, một số hộ, cơ sở chăn nuôi có nhu cầu di dời cơ sở chăn nuôi nhưng không có địa điểm di dời đến và một số chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở chăn nuôi ngoài độ tuổi lao động nên không thuộc đối tượng tham gia các khóa đào tạo, chuyển đổi nghề. Do đó, thời gian đến, các quận, huyện cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện ngừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý chăn nuôi…

HỮU ANH

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/tiep-tuc-tuyen-truyen-giam-sat-viec-ngung-chan-nuoi-trong-khu-dan-cu-khu-vuc-noi-thanh-4003007/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm