Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảnh báo chiêu trò môi giới mua nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội là chính sách nhân văn giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Tuy nhiên, nhiều người dân đã rơi vào “bẫy” của các chiêu trò lừa đảo, mất tiền oan.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng01/04/2025

Chiêu trò tinh vi của “cò mồi”

Mỗi khi dự án nhà ở xã hội mở bán, nhiều môi giới bất động sản lập tức tranh thủ tâm lý sốt sắng của người mua để giăng bẫy khi quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, hứa hẹn “giữ chỗ”, “suất nội bộ”, “bao trọn thủ tục”. Không ít người vì muốn sở hữu nhà đã vội vàng đặt cọc hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà không hay biết mình đang có nguy cơ bị lừa. Chỉ đến khi dự án chính thức mở bán, nhiều khách hàng mới tá hỏa nhận ra mình không có suất mua hoặc suất đó đã bị sang tay qua nhiều người, đẩy giá lên cao.

Anh Nguyễn Văn Thủy (quê Hà Tĩnh, làm việc tại Khu công nghiệp Liên Chiểu) kể: “Tôi tìm hiểu nhà ở xã hội qua mạng internet rồi liên hệ với một môi giới. Họ cam kết có suất mua nhanh nếu tôi chuyển khoản 30 triệu đồng. Vì cần nhà gấp, tôi suýt đồng ý nhưng may mắn được bạn cảnh báo kịp thời. Sau đó, tôi tự đến dự án tìm hiểu và làm hồ sơ theo quy trình chính thức”.

Không chỉ yêu cầu “bôi trơn”, các “cò đất” còn dựng lên những kịch bản lừa đảo tinh vi như tung tin giả rằng dự án sắp hết suất, giá nhà chuẩn bị tăng cao để khiến khách hàng hoang mang, vội vàng xuống tiền. Anh Đặng Thanh Khánh, làm nghề môi giới bất động sản tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu tiết lộ: “Làm nghề “cò đất” cũng đủ mánh khóe để thu hút khách hàng giao dịch mua bán nhà đất thành công. Nhưng cũng có không ít “cò đất” dùng cả chiêu trò làm hợp đồng “ủy quyền mua hộ” nhà ở xã hội. Chẳng hạn như “cò đất” ký hợp đồng với khách, hứa làm thủ tục thay nhưng thực chất lại bán suất này cho người khác với giá cao hơn.

Khi bị phát hiện, khách hàng rơi vào thế khó vì hợp đồng mập mờ, pháp luật chưa có chế tài xử lý rõ ràng. Trường hợp của chị L. T. Thảo (quận Sơn Trà) là ví dụ điển hình. Chị hoàn toàn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng khi mua qua cò đất, giá căn hộ bị đẩy lên cao hơn 200 triệu đồng so với giá gốc. Những chiêu trò này không chỉ khiến người dân mất tiền oan mà còn làm méo mó chính sách nhà ở xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin

Anh Nguyễn Thế Tuân, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ: “Khi tìm hiểu một dự án, tôi nhận được nhiều lời mời tư vấn, cảnh báo tỷ lệ trúng bốc thăm rất thấp. Họ khuyên tôi mua suất ngoại giao với giá 40-50 triệu đồng. Nhưng khi đọc thông báo chính thức, tôi thấy mình đủ điều kiện nên tự nộp hồ sơ và được hướng dẫn đầy đủ”.

Không chỉ “nâng giá suất mua”, một số môi giới còn giả danh nhân viên dự án, hứa hẹn suất ưu tiên và yêu cầu khách hàng trả tiền chênh lệch. Tuy nhiên, thực tế, sau mỗi đợt các chủ đầu tư nhà ở xã hội mở bán, danh sách 100-200 căn hộ đều được công khai trên báo chí và trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư cũng khẳng định không có bất kỳ đối tác môi giới nào trong quá trình phân phối nhà ở xã hội.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở vừa ban hành Văn bản số 678/SXD-QLN nhằm chấn chỉnh quy trình xét duyệt hồ sơ mua, thuê nhà ở xã hội; đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong giao dịch nhà ở xã hội. Các phường, xã nâng cao trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ, bảo đảm đúng quy trình, tránh gây chậm trễ. Chủ đầu tư tuân thủ nghiêm các quy định xét duyệt hồ sơ theo Luật Nhà ở 2023 và các văn bản pháp luật liên quan.

Theo ông Tuấn, trước khi mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải công khai đầy đủ thông tin về số lượng căn hộ, giá bán, điều kiện xét duyệt, tiến độ thanh toán. Giá nhà ở xã hội không được vượt quá mức Sở Xây dựng thẩm định. Tiền thanh toán phải theo hợp đồng và tiến độ, lần đầu không quá 30%, tổng trước bàn giao không quá 70% và trước khi cấp sổ hồng không quá 95%. “Nếu người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu thông tin trên trang web của Sở Xây dựng (https://sxd.danang.gov.vn) hoặc các kênh chính thống, tuyệt đối không tin vào lời hứa “chạy suất”. Hồ sơ đăng ký phải kê khai trung thực, xét duyệt công khai bằng hình thức bốc thăm nếu vượt quá số lượng”, ông Tuấn nói.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân) khuyến cáo: “Người mua nên làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, tránh giao dịch qua trung gian không rõ ràng. Chỉ ký hợp đồng có công chứng hợp pháp và không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng chính thức”. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, các chiêu trò lừa đảo như “cò” hứa hẹn lo suất mua, rao bán trên mạng với giá chênh lệch, thậm chí giả mạo giấy tờ. Để tránh mắc bẫy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin qua nguồn chính thống, liên hệ trực tiếp chủ đầu tư và kiểm tra giấy tờ, quy trình mua bán theo đúng quy định.

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2025, Đà Nẵng sẽ hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội với 1.807 căn hộ, đồng thời khởi công 3 dự án mới, bổ sung thêm 3.519 căn. Ngoài ra, thành phố sẽ phê duyệt 7 dự án mới với 4.629 căn, đưa tổng số lên 14 dự án với gần 10.000 căn hộ, đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ giao giai đoạn 2025-2030. Với các chính sách quản lý chặt chẽ và nguồn cung dồi dào, người dân hoàn toàn có thể tiếp cận nhà ở xã hội theo đúng quy trình, tránh rủi ro khi giao dịch qua môi giới không chính thống.

TRỌNG HÙNG

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/canh-bao-chieu-tro-moi-gioi-mua-nha-o-xa-hoi-4003008/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm