Rạn san hô kéo dài khoảng 500 km từ bang Florida đến bang South Carolina, và tại một số điểm có chiều rộng lên tới 110 km. Tổng diện tích gần gấp 3 lần diện tích của vườn quốc gia Yellowstone.
Ông Derek Sowers, trưởng nhóm phụ trách hoạt động lập bản đồ của Quỹ Thám hiểm Đại dương Mỹ và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với báo USA Today: “Về cơ bản, đây là khu gò san hô dưới biển sâu lớn nhất thế giới đã được ghi nhận cho đến nay”. Ông gọi đây là một “hệ sinh thái khổng lồ” và “tuyệt vời”.
Thông tin về thành công này đã được đăng trên một bài báo do tạp chí khoa học Geomatics xuất bản. Bài viết trình bày chi tiết về chiến dịch kéo dài nhiều năm của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và các đối tác.
Vùng gò này được tạo thành từ các ụ san hô nước lạnh. Chúng được hình thành trong thời gian dài từ vật liệu xương của “san hô đá” và cả trầm tích bị vụn san hô giữ lại.
Theo tờ The Guardian, mặc dù từ năm 1960, các nhà nghiên cứu đã biết rằng san hô có ở ngoài khơi Đại Tây Dương, diện tích san hô vẫn còn là một bí ẩn cho đến khi công nghệ lập bản đồ dưới nước mới giúp tạo ra hình ảnh 3D của đáy đại dương.
“Khoảng 75% đại dương trên thế giới vẫn chưa được lập bản đồ ở độ phân giải cao và khoảng 50% vùng biển của Mỹ hiện chưa được lập bản đồ”, ông Sowers cho biết.
Rạn san hô nói trên được tìm thấy ở độ sâu từ 200 – 1.000 mét, nơi ánh sáng mặt trời không xuyên qua được. Các nhà khoa học cho biết, các rạn san hô sâu cung cấp môi trường sống cho cá mập, cá kiếm, sao biển, bạch tuộc, tôm và nhiều loại cá khác.
“Tẩy trắng” san hô, có kỹ thuật mới giúp ngăn ngừa
Các rạn san hô nhiệt đới được các nhà khoa học và thợ lặn biết đến nhiều hơn vì dễ tiếp cận hơn. Great Barrier ở Úc, hệ thống rạn san hô nhiệt đới lớn nhất thế giới, trải dài khoảng 2.300 km.
Theo ông Sowers, hoạt động tìm kiếm dưới đáy đại dương sẽ tiếp tục diễn ra. Ông dự đoán sẽ còn nhiều rạn san hô lớn hơn nữa sẽ được tìm thấy trong tương lai.