Silvio Berlusconi, người từng giữ chức thủ tướng Italy ba nhiệm kỳ, qua đời ngày 12/6 ở tuổi 86 sau thời gian dài nằm viện.
Cựu thủ tướng Italy Silvio Berlusconi qua đời ở tuổi 86 tại bệnh viện San Raffaele tại thành phố Milan hôm nay. 4 trong 5 người con và em trai Paolo có mặt bên cạnh giường bệnh trước khi ông qua đời.
Lễ quốc tang dành cho cựu thủ tướng Italy dự kiến được tổ chức ngày 14/6.
Silvio Berlusconi sinh năm 1936 trong một gia đình trung lưu tại Milano. Ông tốt nghiệp đại học ngành luật với bằng giỏi năm 1961, bắt đầu xây dựng sự nghiệp trong ngành xây dựng trước khi chuyển sang mảng truyền thông – tài chính.
Ảnh hưởng của ông không chỉ trong lĩnh vực chính trị, mà còn nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông và thể thao, đặc biệt là bóng đá. Berlusconi mua lại AC Milan năm 1986, cứu họ khỏi phá sản. Hơn 30 năm thuộc quyền sở hữu của Berlusconi được coi là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử AC Milan.
Tạp chí Forbes từng xếp Berlusconi là người giàu thứ 188 trên thế giới với khối tài sản 6,2 tỷ USD. Từ thành công trong kinh doanh và danh tiếng khi làm bóng đá, ông lấn sân sang chính trị, thành lập đảng Forza Italia năm 1993 rồi trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng bậc nhất lịch sử đất nước.
Berlusconi từng ba lần giữ chức Thủ tướng Italy trong giai đoạn 1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011, với tổng thời gian 9 năm nắm quyền. Năm 2005, ông Berlusconi từng giải tán chính phủ để thành lập chính phủ mới nhưng vẫn giữ nguyên các đối tác liên minh cũ. Vì vậy, một số hãng truyền thông viết rằng ông giữ chức thủ tướng Italy 4 lần, chia giai đoạn ông cầm quyền 2001-2006 thành hai khoảng thời gian là 2001-2005 và 2005-2006.
Ông Berlusconi được bầu làm thủ tướng với những lời hứa hẹn về kinh tế, nhưng được đánh giá là không hoàn thành mục tiêu. Giới chuyên gia mô tả ông đã điều hành đất nước với năng lượng “đáng kinh ngạc” nhưng thiếu tầm nhìn lâu dài về phát triển kinh tế. Năng lực cạnh tranh của đất nước, được xác định qua lĩnh vực xuất khẩu, liên tục suy giảm, trong khi chi tiêu công liên tục gia tăng.
Năm 2011, ông Berlusconi từ chức giữa lúc đất nước lâm vào khủng hoảng tài chính. Trong những năm sau đó, ông Berlusconi cáo buộc lãnh đạo Pháp, Đức, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số cường quốc và thể chế kinh tế, tài chính toàn cầu khác đã gây áp lực ép ông phải từ chức, vì ông từ chối chấp nhận một khoản vay từ IMF. Cựu thủ tướng Italy cho rằng khoản vay đó đồng nghĩa “bán đất nước cho IMF”.
Về đối ngoại, Berlusconi đã ủng hộ nhiều chính sách của Mỹ, xích lại gần Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Berlusconi là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và EU và thậm chí từng đề xuất Moskva gia nhập liên minh, khẳng định rằng “đây không phải giấc mơ quá xa vời”. Ông có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Putin và hai người vẫn có các cuộc gặp sau khi Berlusconi từ chức năm 2011.
Cựu thủ tướng Italy có vấn đề về tim, từng ngất xỉu khi đang đọc bài phát biểu năm 2006. Ông phải sử dụng máy trợ tim sau đó và còn điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Năm 2012, Berlusconi bị buộc tội gian lận thuế và tham nhũng, không được tham gia chính trường và bị kết án tù giam. Từ năm 2016, sức khỏe của Berlusconi bắt đầu đi xuống, với ca phẫu thuật thay van tim.
Lệnh cấm ông hoạt động chính trị được dỡ bỏ trước thềm cuộc bầu cử năm 2018, Berlusconi sau đó trúng cử vào Nghị viện châu Âu năm 2019. Tháng 9/2020, ông nhập viện vì mắc Covid-19. Ông phải chịu đựng các triệu chứng trong nhiều tháng, khiến cựu thủ tướng là thành viên có tỷ lệ dự các cuộc họp của Nghị viện châu Âu thấp nhất trong giai đoạn 2019 – 2022.
Berlusconi hai lần kết hôn và có 5 người con. Hồi tháng 4, ông được chẩn đoán ung thư bạch cầu và phải điều trị hóa chất.
Đảng Forza Italia của ông hiện là đối tác nhỏ trong liên minh cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni. Dù không còn giữ vai trò trong bộ máy lãnh đạo đất nước, sự ra đi của Berlusconi có thể dẫn tới những thay đổi trong chính trường Italy.
Đế chế kinh doanh của ông cũng đối diện tương lai chưa rõ ràng. Berlusconi chưa bao giờ công bố người sẽ kế thừa công ty truyền thông MediaForEurope (MFE) sau khi ông qua đời, ngay cả khi con gái lớn Marina được kỳ vọng sẽ giữ vai trò lớn tại doanh nghiệp này.
Các chính trị gia, dù thuộc phe đối lập với ông Berlusconi, đã nhấn mạnh ảnh hưởng của cựu thủ tướng đối với đất nước.
Enrico Letta, cựu thủ tướng Italy thuộc phe trung tả, viết trên Twitter: “Berlusconi đã làm nên lịch sử của đất nước chúng ta. Sự ra đi của ông ấy đánh dấu một trong những khoảnh khắc mà tất cả mọi người, dù có ủng hộ lựa chọn của ông ấy hay không, đều cảm thấy bị ảnh hưởng”.
Cựu thủ tướng Italy Mario Draghi, người giữ quan điểm phi đảng phái, cho rằng Berlusconi “đã thay đổi nền chính trị và được hàng triệu người Italy yêu mến vì lòng tốt và phong thái lôi cuốn của ông”.
“Silvio Berlusconi trên hết là một chiến binh, ông là người không bao giờ ngại bảo vệ niềm tin của mình. Chính sự dũng cảm, quyết tâm đó đã biến ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đất nước”, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thuộc phe cánh hữu, ra thông cáo.
Vũ Anh