Dùng 27 lít máu để hoàn thành 605 trang, cuốn huyết kinh Koran của cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein từng gây nhiều tranh cãi trong thế giới Hồi giáo.
Được cất giấu trong hầm bí mật nằm sâu dưới nhà thờ Umm al-Qura ở Baghdad, cuốn huyết kinh Koran là bản sao sách thánh của người Hồi giáo, được viết bằng máu của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein, người cầm quyền năm 1979 – 2003.
Ông Hussein được cho là bắt đầu ủy quyền nhà thư pháp Abbas Shakir Joody al-Baghdadi chép cuốn huyết kinh vào ngày 28/4/1998, nhân dịp sinh nhật lần thứ 61. Tuy nhiên, một số khác nói mốc thời gian này là vào năm 1997 nhân dịp sinh nhật thứ 60 của ông.
Một sự kiện thúc đẩy cựu tổng thống Iraq làm điều này là con trai ông, Uday Hussein, thoát chết trong gang tấc sau vụ ám sát ngày 12/12/1996. Trong bức thư công bố năm 2000, ông Hussein giải thích rằng cuốn huyết kinh được viết để cảm ơn Đấng tối cao đã giúp ông an toàn vượt qua “nhiều âm mưu và hiểm nguy” trong suốt sự nghiệp chính trị.
“Cuộc sống của tôi đầy rẫy những nguy hiểm mà lẽ ra tôi phải đổ rất nhiều máu. Nhưng vì tôi chỉ mất một chút ít, nên đã nhờ người viết những lời của Đấng tối cao bằng máu của mình để bày tỏ sự biết ơn”, ông cho hay.
Trong hai năm kể từ khi ủy quyền chép huyết kinh, y tá đã lấy 27 lít máu của ông Hussein và chuyển cho al-Baghdadi. Sau khi xử lý máu bằng hóa chất, nhà thư pháp sử dụng chất lỏng này để chép hết 114 chương với khoảng 6.000 câu, 336.000 chữ của cuốn kinh Koran.
Hoàn thành vào năm 2000, cuốn huyết kinh Koran dày 605 trang và được viết bằng cỡ chữ cao 2 cm, với những đường viền trang trí màu đỏ, đen, xanh phức tạp. Cuốn kinh được bọc trong khung vàng, trưng bày tại nhà thờ Umm al-Ma’arik ở Baghdad. Ông Hussein xây nhà thờ này để kỷ niệm điều ông gọi là “chiến thắng” trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991 và hoàn thành năm 2001. Chỉ nhóm nhỏ khách đặc biệt của ông Hussein được chiêm ngưỡng cuốn sách.
Ngay từ đầu, cuốn huyết kinh Koran của ông Hussein đã gây nhiều tranh cãi giữa các giáo sĩ Hồi giáo. Theo luật Hồi giáo Sharia, máu người được coi là ô uế và bất kỳ thứ gì dính vào nó đều như vậy. Do đó, viết kinh Koran bằng máu là hành động bị cấm. Các cơ quan tôn giáo của UAE và Arab Saudi năm 2000 đã ra tuyên bố lên án hành động này.
Nhà thư pháp al-Baghdadi cho biết ông nhận thức rõ điều này nhưng không thể không nhận mệnh lệnh của ông Hussein. Trong cuộc phỏng vấn năm 2003, al-Baghdadi, người sau này chuyển đến Mỹ sinh sống, nói rằng “tôi không thích nói về chuyện này. Đó là nỗi đau đớn trong cuộc đời mà tôi muốn quên đi”.
Những tranh cãi cũng xoay quanh tổng lượng máu mà ông Hussein bỏ ra cho cuốn huyết kinh. Thông thường, lượng máu tối đa mà một người có thể hiến là khoảng 3 lít mỗi năm. Nếu theo lượng này, ông Hussein đáng lẽ phải mất gần 9 năm để rút đủ 27 lít máu.
Điều này khiến một số người suy đoán số máu dùng để chép kinh không hoàn toàn của ông Hussein. Tuy nhiên, những thắc mắc này tới nay vẫn chưa được giải đáp.
Cuốn huyết kinh Koran được trưng bày tới tháng 4/2003, khi lực lượng Mỹ tiến đánh Baghdad. Khi giao tranh bao trùm thủ đô Iraq, những người trông coi nhà thờ đã lấy cuốn kinh và giấu đi. Giáo sĩ Ahmed al-Samarrai từng giấu cuốn sách trong nhà mình. “Chúng tôi biết cuốn huyết kinh sẽ bị tìm kiếm nên đã quyết định bảo vệ nó”, ông nói.
Năm 2010, ông al-Samarrai cho biết sau khi ông Hussein bị lật đổ, cuốn huyết kinh được cất trong tầng hầm bí mật dưới nhà thờ, hiện đổi tên thành Umm al-Qura, với ba lớp cửa khóa chặt.
“Ba chiếc chìa khóa được cất giữ ở ba nơi khác nhau. Tôi có một chiếc, cảnh sát trưởng khu vực có một chiếc và một chiếc cất giấu ở nơi khác ở Baghdad. Cần sự chấp thuận của một ủy ban để vào căn hầm đó”, ông al-Samarrai nói.
Không chỉ gây tranh cãi về mặt tôn giáo, cuốn huyết kinh còn thổi bùng tranh cãi về chính trị. Nhiều thành viên chính phủ Iraq sau này lo ngại những di sản thời Hussein có thể thúc đẩy nỗ lực phục hưng đảng Ba’ath của cố lãnh đạo và nêu ý tưởng phá hủy nó.
Nhưng nhiều người khác không ủng hộ ý tưởng này, khi cho rằng Hussein và cuốn kinh là một phần lịch sử của Iraq. “Ông ấy đã mang tới những khác biệt rất lớn cho Iraq, dù chúng ta có thích điều đó hay không. Chúng ta không nhất thiết phải chôn vùi di sản của thời kỳ đó, thay vào đó nên ghi nhớ và rút ra những bài học”, Mowaffak al-Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq, nói.
Thanh Tâm (Theo TIFO, Guardian, NBC News)