Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Dự kiến thời gian áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12. Như vậy, nếu dự án này được thông qua, thì từ cuối tuần sau (1/7), lệ phí trước bạ có thể giảm 50%.
Ước tính việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Chính sách này góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ gia tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Có 8 địa phương được hưởng lợi khi số thu từ 2 sắc thuế này tăng gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Đây là những địa phương có công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Với nhiệm vụ được giao thẩm định dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị phương án, lập luận trong trường hợp có khiếu nại, khiếu kiện quốc tế.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thực tế khả năng Việt Nam bị kiện không cao và Việt Nam chưa nhận được bất kỳ ý kiến hay phản đối của các thành viên WTO cũng như các đối tác thương mại trong các cam kết mà Việt Nam tham gia.