Cảm tác từ kịch bản “Số phận trớ trêu” của Emil Braghininsk & Elda Riazanov, Lê Hoàng Giang ở ba vai trò: biên kịch, đạo diễn và diễn viên, xem ra là một nỗ lực của anh khi được sân khấu Thiên Đăng tạo cơ hội. Dù vậy, buổi phúc khảo chiều 21-1 vẫn diễn ra thành công, tuy nhiên theo NSƯT Thành Lộc cần tập kỹ hơn trước khi công diễn.
Những ai đã từng xem vở “Số phận trớ trêu” đều biết đó là một vở kịch mở ra nhiều xung đột, đầy kịch tính và cực kỳ lãng mạn. Lê Hoàng Giang đã Việt hóa câu chuyện cứ đúng đêm giao thừa. Các bạn của Lukhashin có thói quen hẹn nhau ở nhà tắm công cộng, sau đó dắt nhau uống rượu thật say mới trở về nhà, để rồi dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười thông qua câu chuyện của anh bác sĩ Nam Nhân và cô giáo Trang dạy tiểu học.
Nam Nhân có vợ sắp cưới, cô giáo Trang cũng chuẩn bị chấm dứt cuộc sống độc thân. Và rồi ngõ ngách của mọi vấn đề trong cách sống, cách nghĩ được mổ xẻ khi cả hai nhận ra trong tình cảm của họ với người sắp cưới, “yêu nhau mà không hiểu, càng thương càng thêm khổ”.
Những tràng cười sảng khoái vang lên từ các tình huống dở khóc, dở cười. Mọi lý lẽ cũng được diễn giải để Nam Nhân nhận ra sự sai lầm tai hại khi anh vì quá say mà vào lộn căn nhà của cô giáo Trang.
Câu chuyện kịch với sự biến hóa qua tính cách nhân vật và tình huống đã dẫn dắt người xem đi đến nhiều bất ngờ. Nhưng có thể nói khi nhân vật anh Năm Canh – bảo vệ chung cư xuất hiện, kịch mới phát triển cao trào.
Chính từ những tác động của bạn bè, người trong chung cư và cả hành xử của đối phương dù sắp về chung một nhà, đã giúp câu chuyện tình yêu giữa bác sĩ Nam Nhân và cô giáo Trang dần dần mở ra, đầy những hương vị ngọt ngào.
Vẫn đi theo mô típ giải quyết những mâu thuẫn từ chuyện…hiểu lầm, nhưng cách đặt vấn đề và kể chuyện của Lê Hoàng Giang nếu tập kỹ hơn, nhịp nhàng sẽ tạo mạch diễn tung hứng, tương tác với khán giả để tăng tiếng cười gấp bội.
Ở câu chuyện “Số phận trớ trêu”, nhiều khán giả đã đặt câu hỏi liệu tình yêu giữa Lukhashin và Nadia có đến nhanh chóng quá chăng? Thì ở “Nội tình của ngoại tình” sẽ là một cách lý giải đầy thuyết phục. Điều thú vị là khán giả sẽ nhận ra, khi yêu nhưng thiếu tấm lòng nhân hậu, để sự ích kỷ chen vào cuộc hôn nhân thì khó mà sống chung bền bỉ.
Nam Nhân được biên kịch Lê Hoàng Giang xây dựng là một bác sĩ tử tế và cô giáo Trang là một cô giáo có tấm lòng nhân ái, họ cùng đón năm mới với nhiều hoài bão đẹp.
Xem vở diễn để cảm nhận rõ sự đầu tư cho đội ngũ trẻ để họ có thể diễn xuất tự tin và làm tươi mới hơn bức tranh tổng thể của sàn diễn Thiên Đăng.
Đi theo tiêu chí làm nghệ thuật tử tế, NSƯT Thành Lộc ở vở này cũng lui về tuyến nhân vật phụ để yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ. Vai diễn của anh đá xéo nạn tham nhũng vặt và cả việc lên án người uống rượu, bia không được điều khiển phương tiện giao thông.
Nét duyên của nhân vật bảo vệ khái quát rộng một diện mạo chung từ cách hành xử trong một khu phố, chung cư, mà nếu không tuân thủ trật tự sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Kịch Tết cần vui nhưng đã là người nghệ sĩ công dân thì trong tiếng cười phải có trách nhiệm xua đi những tật xấu, góp phần xây dựng cuộc sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Hương Giang, Hồ Giang Bảo Sơn, Ngọc Xuyên, Lê Hoàng Giang, Trang Tuyền, Xuân Phạm…
Về phần âm nhạc vở diễn đã đưa vào nhiều giai điệu rộn ràng, vui tươi, bên cạnh đó còn tái hiện văn hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số, dù chỉ là một nét chấm phá nhỏ nhưng làm cho vở kịch sinh động, tươi tắn.
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoi-nghieng-nga-voi-nsut-thanh-loc-trong-vo-noi-tinh-cua-ngoai-tinh-196240122073037939.htm