Jose Adolfo Macias, thủ lĩnh băng đảng ma túy khét tiếng Ecuador, sống trong trại giam có nhà tắm, tủ lạnh, giường đệm cỡ lớn, sân nuôi gà chọi.
"Cuộc sống trong này còn thoải mái hơn ở nhà, chẳng khác nào một ông hoàng", một binh sĩ Ecuador thốt lên trong video quay phòng giam của trùm ma túy Jose Adolfo Macias ở La Regional, một trong những nhà tù lớn nhất nước này.
Trong phòng treo ảnh chân dung Macias, hay còn gọi là Fito, ông trùm băng đảng ma túy Los Choneros, người đã vượt ngục hồi tháng 1. Một bức tranh tường vẽ khẩu hiệu "ăn tiền hay ăn đạn", dường như nhằm đe dọa giám thị nhà tù về việc nhận hối lộ hay muốn bị bắn.
Buồng giam có phòng tắm riêng, giường cỡ lớn và tủ lạnh. Bên ngoài là sân cỏ để đầy chuồng nhốt gà chọi, thậm chí có cả một bể lớn nuôi cá để phục vụ nhu cầu về thực phẩm tươi của Macias.
Theo các chuyên gia, video trên cho thấy hệ thống nhà tù Ecuador thay vì là nơi trừng phạt đã trở thành "căn cứ địa" cho các nhóm tội phạm có số lượng thành viên đông đảo và sức ảnh hưởng khắp đất nước. Trong chưa đầy một thập kỷ, tội phạm có tổ chức đã biến đất nước yên bình này trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất Mỹ Latin.
Các vụ thảm sát trong tù ở Ecuador xảy ra thường xuyên hơn trong vài năm gần đây, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong vụ bạo loạn nhà tù cuối năm ngoái, các thành viên băng đảng đã bắt cóc hơn 130 quản giáo và nhân viên hành chính ở một số nhà tù.
"Các nhóm tội phạm nắm toàn quyền kiểm soát nhà tù. Đó là lý do Fito hưởng thụ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, với TV, Internet, thực phẩm, rượu, phụ nữ..., mọi thứ ông ta muốn trong tù", Jean Paul Pinto, chuyên gia an ninh người Ecuador từng cố vấn cho lực lượng cảnh sát và tình báo của đất nước, nói.
Các chuyên gia nhận định đây cũng là lý do Macias có thể trốn thoát khỏi nhà tù La Regional trong vụ vượt ngục khiến cả thế giới chú ý, đồng thời kích động làn sóng bạo lực khắp đất nước.
10 năm trước, Ecuador bắt đầu mất kiểm soát nhà tù. Hàng loạt sai lầm của các đời lãnh đạo khiến tội phạm bành trướng trong hệ thống nhà tù, theo Glaeldys Gonzalez, chuyên gia về tội phạm có tổ chức của Nhóm tư vấn Khủng hoảng Quốc tế.
Những sai lầm này, trong đó có di chuyển tù nhân ồ ạt nhằm làm tan rã các băng nhóm tội phạm, đã phản tác dụng, thậm chí giúp các băng đảng mở rộng phạm vi hoạt động trong hệ thống nhà tù khắp đất nước. Chính sách giam giữ đông tù nhân cũng giúp các băng nhóm chiêu mộ thành viên mới ngay trong trại giam. Với 30.000 thành viên khắp đất nước, nhiều tổ chức tội phạm có thể sử dụng ảnh hưởng bên ngoài song sắt để kiểm soát nhân viên nhà tù.
"Các thành viên băng đảng hăm dọa nhân viên nhà tù, yêu cầu họ thực hiện các hoạt động trái pháp luật nếu không muốn gia đình và người thân bị đe dọa", Julio Cesar Ballesteros, cựu phó giám đốc cơ quan quản lý trại giam Eucador (SNAI) kiêm thứ trưởng phụ trách công tác phục hồi nhân phẩm dưới thời cựu tổng thống Lenin Moreno, nói.
Tình trạng tham nhũng tràn lan vì quản giáo bị trả lương thấp, làm việc quá sức và điều kiện làm việc kém. Nhà tù quá tải và không đủ lính canh cũng đẩy bạo lực gia tăng. Các tù nhân cho hay phải ngủ ngoài hành lang không chăn đệm. Theo SNAI, lượng phạm nhân trong các nhà tù Ecuador năm ngoái vượt quá sức chứa khoảng 4.000 người.
Ballesteros nhấn mạnh các nhóm tội phạm có tổ chức "kiểm soát mọi thứ" trong tù. "Nhà tù không còn do nhà nước quản lý nữa mà tội phạm đã khống chế từ bên trong. Nhiều quan chức bị đe dọa hay tống tiền, buộc phải làm ngơ và dung túng cho hoạt động phi pháp", ông nói.
Vụ điều tra năm 2023 của Bộ trưởng Tư pháp Ecuador Diana Salazar phát hiện một tội phạm ma túy đang bị giam đã lên kế hoạch hối lộ 3.000 USD cho nhân viên trại giam để được mang lợn vào phục vụ bữa tiệc "Ngày tù nhân". Y nhắn tin ra ngoài, khoe "ở đây tao là giám đốc".
"Hệ thống nhà tù ở Mỹ Latin đã trở thành trung tâm huấn luyện kiêm tổng hành dinh một số tổ chức tội phạm quyền lực nhất châu Mỹ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hệ thống này mở rộng ở Ecuador", Jeremy McDermott, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tội phạm InSight Crime, nói.
Không có nhiều thông tin về cuộc đời của Macias trước khi trở thành tội phạm. Ông ta là chuyên gia rửa tiền cho băng Los Choneros, rồi lợi dụng tình hình đấu đá nội bộ năm 2020 để leo lên vị trí thủ lĩnh. Trong khi băng đảng này rối ren, một tổ chức tội phạm khác tên là Los Lobos trỗi dậy nhằm giành quyền thống trị hoạt động buôn bán ma túy ở Ecuador.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến sống xa hoa của Macias trong tù, nhất là lý do ông ta không bị giam trong một nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất.
Theo thông báo trừng phạt đối với Macias đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ cho hay ông ta "có quyền sử dụng điện thoại di động và Internet để có thể tiếp tục chỉ đạo các hoạt động của băng đảng và đưa tin tức ra ngoài".
Cảnh sống như ông hoàng của Macias không có gì bí mật. Trùm ma túy từng tổ chức tiệc sinh nhật 42 tuổi hoành tráng trong tù với bánh kem, pháo hoa và ca sĩ tới biểu diễn.
Hồi tháng 12/2023, tân Tổng thống Ecuador Daniel Noboa nói đùa trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia rằng buồng giam của Macias có nhiều ổ cắm điện "hơn cả phòng khách sạn Marriott". Khi được hỏi chính quyền có kế hoạch gì để ứng phó, ông Noboa trả lời: "Có, nhưng đừng nói với Fito".
Chính phủ Ecuador đã lên kế hoạch chuyển Macias đến một nhà tù khác có an ninh nghiêm ngặt hơn, nhưng trùm ma túy dường như đã được báo trước và vượt ngục hồi tháng 1. Trong thời gian này, vợ con ông ta xuất cảnh đến Argentina và sống trong một căn nhà mới mua tại thành phố Cordoba.
"Chúng tôi đặt giả thuyết ông ta đã mua nhà từ trước, đưa gia đình rời khỏi Ecuador và sau đó vượt ngục", Bộ trưởng An ninh Argentina Patricia Bullrich nói. Vợ con Macias đã bị trục xuất sau hai tuần đến Argentina.
Hiện chưa rõ cách thức vượt ngục của Macias. Ngay sau khi tin tức trùm ma túy này thoát khỏi nhà tù được công bố, bạo lực bùng lên khắp Ecuador, buộc Tổng thống Noboa ngày 8/1 ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tình trạng này buộc Tổng thống Noboa tuyên chiến với các băng đảng mà ông gọi là "những tổ chức ma túy khủng bố" nhận hỗ trợ từ các băng tội phạm nước ngoài. Ecuador đang thực thi chiến dịch trấn áp quy mô lớn, triển khai quân đội hỗ trợ lực lượng cảnh sát và bắt hơn 5.000 người.
Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu triển khai lực lượng quân đội can thiệp có phải là giải pháp lâu dài hay không, bởi nguyên nhân sâu xa cho tình trạng này ở Ecuador là tham nhũng có hệ thống, thể chế nhà nước yếu kém và vị trí địa lý nằm giữa những quốc gia sản xuất ma túy lớn nhất thế giới.
Sau vụ vượt ngục của Macias, quân đội Ecuador triển khai binh sĩ thường xuyên canh gác bên ngoài nhà tù La Regional. Để đối phó tội phạm băng đảng, Tổng thống Noboa cam kết sẽ xây dựng thêm thật nhiều nhà tù.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Source link
Bình luận (0)