Các quốc gia Đông Bắc Á đang nỗ lực đẩy nhanh cuộc chạy đua công nghệ thông tin nhằm phục vụ đời sống xã hội.
Các quốc gia Đông Bắc Á đang phát triển rất nhanh các lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm phục vụ đời sống người dân. Ảnh minh họa. (Nguồn: engenhariae) |
Trung Quốc – “Cường quốc mạng”
Trung Quốc bắt đầu vận hành mạng Internet mà họ cho là tiên tiến nhất thế giới.
Theo nhà sản xuất công nghệ Huawei, mạng này có thể truyền với tốc độ khoảng 1,2 terabit (1.200 gigabit) mỗi giây, nghĩa là đủ nhanh để truyền 150 bộ phim đi trong một giây.
Trong cuộc họp báo tuần trước, các tập đoàn Huawei và China Mobile công bố chính thức ra mắt hệ thống “mạng xương sống” thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, kết quả hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và Cernet, mạng lưới giáo dục và nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
“Mạng xương sống” là cơ sở hạ tầng mạng giúp chuyển lưu lượng truy cập Internet đến các nơi khác nhau, và có thể truyền tải dữ liệu thuộc công nghệ 5G.
Theo thông cáo báo chí, hệ thống mạng mới hoạt động trên gần 2.900km cáp quang nối Bắc Kinh và miền Nam Trung Quốc. Nó được đưa vào thử nghiệm từ mùa Hè 2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu rằng việc phát triển “mạng xương sống” sẽ biến Trung Quốc thành “cường quốc mạng” và “đẩy nhanh việc thúc đẩy các công nghệ Internet cốt lõi”.
Ông Wu Jianping, giáo sư khoa khoa học và công nghệ máy tính của Đại học Thanh Hoa, người đang giám sát dự án cho biết: Hệ thống này, bao gồm cả phần mềm và phần cứng, được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Ông đánh giá đây là mạng tiên tiến nhất trên thế giới.
Xã hội 5.0 ở Nhật Bản
Trong khi Trung Quốc bận rộn vận hành “mạng Internet tiên tiến nhất thế giới”, nước láng giềng Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một xã hội số. Nước này xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với quốc gia.
Từ lâu, việc phát triển Internet đã là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, với mạng lưới cáp quang tốc độ cao có ở nhiều khu vực. Hiện tốc độ Internet trung bình của nước này là 42,2 Mbps.
Đề xuất xây dựng xã hội siêu thông minh, còn gọi là Xã hội 5.0 đã được chính phủ Nhật Bản công bố trong “Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5 giai đoạn 2016-2020” nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, kể từ tháng 1/2016.
Mục tiêu của Xã hội 5.0 là giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số. Đây là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu cá nhân.
Sáng kiến Xã hội 5.0 của Nhật Bản nhằm tạo ra mô hình kinh tế khai thác các đổi mới công nghệ để thúc đẩy số hóa trong các cơ quan chính phủ, cũng như trong các ngành dịch vụ.
Theo dự báo của Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData (Anh), sáng kiến Xã hội 5.0 thúc đẩy thị trường công nghệ thông tin dựa trên kết nối Internet vạn vật (IoT) của Nhật Bản tăng từ 42,1 tỷ USD năm 2021 lên 60 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7,4%.
Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản khuyến khích các chính quyền địa phương chuyển hoàn toàn sang dịch vụ điện toán đám mây của chính phủ vào năm tài chính 2025. Một quan chức cho biết, việc chuyển hoàn toàn sang điện toán đám mây có thể giúp giảm khoảng 30% ngân sách chi cho công nghệ thông tin hàng năm, hiện đang ở mức 7 tỷ USD.
Thủ tướng Kishida Fumio năm 2022 thông báo chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ dựa trên công nghệ mới nhất của Internet (Internet thế hệ thứ ba hay Web 3.0), bao gồm các dịch vụ mới như tài sản số ứng dụng công nghệ chuỗi khối (NFT) và vũ trụ ảo (metaverse).
Là một trong những quốc gia đầu tiên ra mắt các dịch vụ 5G thương mại, Nhật Bản đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 98% dân số vào cuối quý I/2024.
5G được xác định là công cụ hỗ trợ chính cho quá trình chuyển đổi số, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy phát triển 5G trong các môi trường công nghiệp và các trường hợp sử dụng khác để tác động tích cực đến nền kinh tế của nước này.
Bên cạnh thúc đẩy phát triển công nghệ 5G, chính phủ Nhật Bản tài trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ di động thế hệ 6G tương lai.
Phong cách sống tại Hàn Quốc
Với triển vọng thị trường sáng sủa, nhiều quốc gia đang tích cực tham gia vào các nỗ lực thúc đẩy Internet vạn vật (IoT) như một ngành công nghiệp cốt lõi.
Không nằm ngoài xu hướng này, ở khu vực Đông Bắc Á, chính phủ Hàn Quốc xác định IoT là ngành công nghiệp cốt lõi, và đề ra những chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển IoT.
Ở Hàn Quốc, “kết nối mọi nơi” (ubiquitous connectivity) không mang tính cảm hứng, mà đó là từ chỉ phong cách sống tại xứ sở kim chi.
Với các kết nối Internet di động trực tiếp tốc độ cao trên một loạt các thiết bị số, người dân Hàn Quốc tự hào được kết nối nhiều hàng đầu trên hành tinh.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, IoT không những giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các ngành công nghiệp và cơ hội tăng trưởng mới.
Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích tập trung phát triển các dịch vụ IoT đầy hứa hẹn dựa trên nhu cầu của chính phủ, khu vực tư nhân và người dân như chăm sóc sức khỏe, nhà thông minh, thành phố thông minh, giao thông, hậu cần, năng lượng, an toàn…
Thành phố thông minh của Hàn Quốc bao gồm các phân ngành như giao thông thông minh, quản lý tài nguyên thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh… Trong các phân ngành này, chính phủ Hàn Quốc xây dựng hợp tác xuyên suốt giữa chính quyền, tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền địa phương phối hợp các tập đoàn nhằm cung cấp nền tảng và mạng lưới cần thiết, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận phát triển phần cứng và phần mềm liên quan.
Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các trường đại học để hỗ trợ phát triển dịch vụ kinh doanh.
Theo ông Bùi Đông Hưng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chính phủ Hàn Quốc còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy IoT phát triển. Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều nếu so sánh với những thách thức liên quan đến công nghệ và kỹ thuật trong giai đoạn triển khai IoT.
Những thách thức này liên quan đến con người, kinh tế-chính trị, và xã hội, nơi mà IoT sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng. Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển IoT hiện nay và tương lai.