Tàu chiến San José chở vàng bạc và ngọc lục bảo trị giá hàng chục tỷ USD đang trở thành mục tiêu tranh chấp của Colombia, Tây Ban Nha và thổ dân bản xứ Bolivia.
San José, tàu chở kho báu của hải quân Tây Ban Nha, chìm vào năm 1708. Cuộc chiến pháp lý tranh giành số vàng bạc và đá quý trên tàu vẫn đang diễn ra. Tin tức gần đây cho biết tổng thống Colombia hy vọng có thể thu hồi kho báu từ tàu San José thu hút nhiều sự chú ý đối với xác tàu đắm gây tranh cãi, thường được mô tả là xác tàu đắt giá nhất thế giới, theo National Geographic.
Tàu San José trang bị 62 khẩu súng của hải quân Tây Ban Nha chứa tới 200 tấn vàng, bạc và đá quý thô khi chìm vào năm 1708, cách vùng ven biển Colombia khoảng 16 km, trong trận chiến với tàu chiến Anh. Hiện nay, kho báu có thể trị giá hàng tỷ USD. San José đứng đầu đoàn tàu 18 chiếc, nhiều tàu trong số đó chở của cải từ Tân thế giới (chỉ phần lớn Tây bán cầu của Trái Đất, đặc biệt là châu Mỹ) tới Pháp, đồng minh của Tây Ban Nha khi đó. Nhưng con tàu gặp phải hạm đội 5 tàu Anh, kẻ thù của Tây Ban Nha và Pháp trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Sau hơn một giờ chiến đấu, tàu San José chìm khi kho thuốc súng trên tàu phát nổ, một tàu chiến khác bị bắt, nhưng các tàu còn lại trong đội chạy trốn an toàn ở cảng tại Cartagena.
Giờ đây, chính phủ Colombia tuyên bố quyền sở hữu xác tàu San José và tất cả hàng hóa. Theo bộ trưởng Bộ văn hóa Colombia, tổng thống Gustavo Petro muốn thu hồi xác tàu vào cuối nhiệm kỳ năm 2026. Năm 2015, Colombia thông báo tìm thấy xác tàu San José ở địa điểm khác với nơi một công ty trục vớt của Mỹ tuyên bố phát hiện tàn tích con tàu năm 1982. Điều đó thúc đẩy công ty này nộp đơn kiện đòi 10 tỷ USD, cáo buộc chính phủ Colombia tìm cách trốn tránh thỏa thuận chia sẻ một nửa kho báu thu hồi từ xác tàu.
Vụ kiện vẫn đang trong quá trình giải quyết tranh chấp. Công ty trục vớt khẳng định địa điểm mới gần với khu vực họ xác định vào năm 1982. Phiên tòa đầu tiên sẽ diễn ra tại Bogotá vào tháng 12, theo nhà nghiên Daniel de Narváez. Vụ tranh chấp này có thể là một trong những vấn đề lớn nhất của chính phủ Colombia về tàu San José, một phần do bất kỳ phán quyết pháp lý nào đều sẽ có hiệu lực ngay cả khi kho báu ở xác tàu không bao giờ được thu hồi.
De Narváez, kỹ sư khai thác mỏ, giám đốc Hiệp hội khám phá hàng hải chuyên nghiệp, tổ chức ủng hộ thương mại hóa một phần xác tàu và cho phép bán đồ tạo tác từ tàu như tiền xu bằng vàng. Ông cho biết thỏa thuận như vậy sẽ giúp bảo vệ nhiều xác tàu có tính lịch sử ở vùng biển Colombia. De Narváez cũng là sử gia về tàu San José, những tính toán về vị trí tàu của ông ảnh hưởng lớn tới cuộc tìm kiếm năm 2015. Trước đó, chính phủ Colombia tuyên bố mọi thứ trên tàu, bao gồm bất kỳ báu vật nào, đều là di sản không thể mua bán.
Tuyên bố về quyền sở hữu của Colombia vấp phải sự phản đối của chính phủ Tây Ban Nha. Nước này cho rằng họ vẫn sở hữu tàu San José do đây là tàu của hải quân Tây Ban Nha khi bị đắm. Theo một số luật sư, xác tàu được bảo vệ theo Công ước Luật biển năm 1982, quy định tàu hải quân vẫn là tài sản quốc gia ngay cả sau khi bị chìm. Điều đó có nghĩa xác tàu vẫn thuộc về Tây Ban Nha, dù chìm cách đây hơn 300 năm ở vùng biển Colombia.
Nhưng De Narváez nhấn mạnh Colombia chưa bao giờ thông qua Công ước Luật biển, một phần do tranh chấp lãnh thổ về biên giới trên biển với Venezuela và Nicaragua. Điều này sẽ làm phức tạp hóa cuộc chiến pháp lý với Tây Ban Nha. Nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley, tổng biên tập tạp chí Wreckwatch, cho biết quy định được áp dụng để bảo vệ xác tàu hiện đại hoạt động gián điệp, nhưng ở đây nó đang được sử dụng để tranh giành xác tàu chở kho báu.
“Đây là một ý tưởng hiện đại nhằm bảo vệ bí mật quốc gia trên tàu chiến hạt nhân, máy bay và tàu ngầm, nhưng không có hộp đen hay bí mật hải quân nào trên xác tàu mục nát hàng trăm năm tuổi”, Kingsley nói.
Ngoài Colombia và Tây Ban Nha, một nhóm thổ dân Bolivia cũng đòi quyền sở hữu kho báu từ tàu San José. Theo một báo cáo năm 2019, đại diện của người Qhara Qhara cho rằng thực dân Tây Ban Nha buộc tổ tiên của họ đào bạc từ núi Cerro Rico, vì vậy kho báu đáng lẽ thuộc về họ.
Tranh chấp về quyền sở hữu xác tàu San José làm nổi bật giá trị của kho báu. Một số báo cáo cho biết kho báu trên xác tàu có thể trị giá 17 – 20 tỷ USD. Những bức ảnh mới nhất cho thấy các khẩu súng thần công và vò gốm nằm rải rác quanh đáy biển khi tàu chìm, ở độ sâu hơn 700 m, quá sâu để thợ lặn tiếp cận, nhưng có thể thu hồi bằng phương tiện dưới nước và tàu ngầm. Tuy nhiên, với những lo ngại về pháp lý, kỹ thuật và khảo cổ, số đồ vật có thể mang lên từ xác tàu San José vào năm 2026 sẽ rất ít ỏi.
An Khang (Theo National Geographic)