Ăn miếng, trả miếng
Hãng TASS ngày 20.5 đưa tin Bộ Ngoại giao Nga thông báo cấm 500 công dân Mỹ đặt chân đến Nga, nhằm đáp trả đợt cấm vận mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài cựu Tổng thống Barack Obama, trong số những người bị cấm vận còn có các quan chức cấp cao đương nhiệm, cựu quan chức, lãnh đạo các công ty quốc phòng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Các nghị sĩ quốc hội, chuyên gia, nhân viên của những tổ chức nghiên cứu chính sách… cũng bị đưa vào danh sách cấm vận của Nga. Cụ thể, Nga còn cấm nhập cảnh đối với 2 cựu đại sứ John Tefft và Jon Huntsman, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall và cựu Thứ trưởng Gina Jones, Bộ trưởng Hải quân Carlos del Toro, tướng lục quân David Stewart, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton. Bên cạnh đó còn có những người dẫn chương trình truyền hình và diễn viên hài như Jimmy Kimmel, Seth Meyers, cố vấn chính sách Rachel Bauman, Phó chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Michael Barr, người dẫn chương trình tin tức Erin Burnett của CNN. Hiện tổng cộng có 1.844 người Mỹ đang bị Nga cấm vận.
Trước đó ngày 19.5, Mỹ thông báo cấm vận hơn 300 cá nhân và thực thể liên quan Nga, nhằm ngăn chặn nước này tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo Reuters, những người bị cấm vận gồm các doanh nhân, công ty bị cáo buộc giúp Nga mua nguyên liệu thô và sản phẩm công nghệ, các nhà nhập khẩu của Nga, các viện giáo dục và nghiên cứu, cùng hàng chục máy bay, tàu liên quan Moscow và công ty đánh thuê Wagner. Trong khi đó, hãng TASS ngày 20.5 dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Mỹ bổ sung một số thiết bị y tế và nông nghiệp vào danh sách cấm xuất khẩu đã làm giảm giá trị tuyên bố của Washington rằng những lệnh cấm vận sẽ không ảnh hưởng hàng hóa nhân đạo.
Ngoài việc công bố danh sách cấm vận trả đũa, Nga còn từ chối đề nghị mới nhất của Mỹ về việc tiếp xúc lãnh sự với phóng viên Evan Gershkovich của tờ The Wall Street Journal, người đang bị giam tại Nga với cáo buộc làm gián điệp. Hành động này là sự đáp trả việc Mỹ hồi tháng 4 từ chối cấp visa cho đoàn báo chí Nga tháp tùng Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến trụ sở LHQ ở TP.New York (Mỹ).
Thêm hỗ trợ cho Ukraine
Trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chiều 20.5 đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 bằng máy bay của chính phủ Pháp, theo tờ The Guardian. Tổng thống Biden dự định sẽ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 374 triệu USD dành cho Ukraine, theo Politico dẫn lời giới chức Mỹ và Ukraine. Gói viện trợ mới bao gồm thêm đạn pháo, xe bọc thép và vũ khí chống tăng.
Một quan chức Mỹ tiết lộ Tổng thống Biden ủng hộ chương trình huấn luyện chung của đồng minh dành cho các phi công Ukraine lái tiêm kích F-16, dự kiến tiến hành ở châu Âu và kéo dài nhiều tháng. Giới chức Mỹ ước tính thời gian nhanh nhất để huấn luyện và chuyển giao F-16 là 18 tháng.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ phối hợp với Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để “giúp Ukraine có được năng lực không chiến cần thiết”. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết nước này sẽ tham gia chương trình huấn luyện tiêm kích do Mỹ xây dựng, đồng thời để ngỏ việc thảo luận về khả năng bàn giao. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay Bồ Đào Nha cũng đồng ý huấn luyện phi công và thợ máy Ukraine về máy bay chiến đấu phương Tây. Theo TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng phương Tây vẫn theo “kịch bản leo thang”, nên sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp F-16 cho Ukraine.