Cục trưởng Vi Kiến Thành nói phim Nhà nước được chiếu dưới nhiều hình thức để phục vụ nhân dân chứ không làm ra rồi “cất kho”.
Lãnh đạo ngành trả lời một số vấn đề liên quan công tác quản lý, phát triển các hoạt động điện ảnh, trong họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng 11/4 ở Hà Nội.
Trước câu hỏi về định hướng phát hành, phổ biến phim Nhà nước trong tương lai, sau hiện tượng Đào, phở và piano được khán giả quan tâm, ông Vi Kiến Thành nói: “Chúng tôi luôn bị nhiều phía, trong đó có Bộ Tài chính, hỏi: ‘Phim Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm không có doanh thu, không thu hồi vốn, cất kho à?’. Tôi khẳng định phim Nhà nước được sử dụng để chiếu ở các tuần phim, liên hoan trong, ngoài nước, ở trung tâm văn hóa các tỉnh thành, chiếu miễn phí trên truyền hình”.
Ông lấy ví dụ Đào, phở và piano sẽ chiếu ở tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào cuối tháng 4, lên sóng truyền hình dịp 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10).
Theo ông Thành, Nhà nước không thể lấy phim tư nhân để chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, do không có tiền mua bản quyền. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay chỉ đặt hàng sản xuất, không có kinh phí phát hành hay tuyên truyền, quảng bá phim. Trước đây, việc phát hành do Fafim Việt Nam đảm nhiệm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều vấn đề sau cổ phần hóa, hiện ngưng hoạt động.
Ông Thành nhấn mạnh: “Hiện không có một khung pháp lý nào về việc chia phần trăm cho rạp phát hành phim Nhà nước”. Vì thế, sau Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim làm từ ngân sách Nhà nước, đề xuất giao Trung tâm chiếu phim Quốc gia phát hành nguồn phim này, dự kiến hoàn thiện đề án cuối năm nay.
Đào, phở và piano thuộc chương trình thí điểm phát hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ra rạp tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, mục đích đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh đã chiếu ở một số rạp tư nhân, những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách quốc gia.
Phân tích thành công của phim, ông Thành đưa ra số liệu doanh thu 21 tỷ đồng, thu hồi được vốn đầu tư, với giá vé 50.000 đồng, thấp hơn các phim tư nhân. Ông Thành nêu ba lý do khiến Đào, phở và piano được quan tâm. Thứ nhất, tác phẩm tốt. Thứ hai, phim được khán giả, báo chí, truyền thông ủng hộ, tạo hiệu ứng lan truyền. Cuối cùng, phim ra rạp vào thời điểm đẹp, khi các đề tài khác liên quan đời sống xã hội, gia đình có phần bão hòa. Về việc tạo ra các tác phẩm có hiệu quả tương tự, lãnh đạo ngành nhận định đây là bài toán khó với toàn nền điện ảnh, bởi không ai có thể dự đoán chính xác sức hút của một bộ phim đề tài chính trị, lịch sử.
Đào, phở và piano do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn. Phim ra rạp mùng Một Tết Nguyên đán (10/2), chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, bất ngờ tạo cơn sốt vé với khán giả.
Trong buổi họp, ông Vi Kiến Thành cũng giải đáp thắc mắc về việc kiểm duyệt phim trên không gian mạng, nhất là các phim có “đường lưỡi bò”. Cục trưởng thừa nhận gặp khó khăn vì nhân lực mỏng, chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm việc kiểm tra. Họ chia thành hai ca mỗi ngày, xem khoảng năm bộ trong một ca, thường xuyên bị quá tải. Trước đây, Cục Điện ảnh từng đề xuất quy chế khen thưởng 200.000 đồng cho những người phát hiện phim có “đường lưỡi bò”, nhưng không được thông qua. Ông Thành mong mọi khán giả có ý thức tự kiểm duyệt, lên tiếng khi phát hiện sai phạm.
Tình hình Hãng Phim truyện Việt Nam cũng được đề cập. Về vấn đề yêu cầu Vivaso rút khỏi hãng, ông Thành cho biết quá trình thoái vốn của Vivaso phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đang được thực hiện dưới sự giám sát của Thanh tra Chính phủ.
Hà Thu