Sau khi Mỹ và châu Âu cấm nhập khẩu, cua Nga chuyển hướng bán sang châu Á với sản lượng thu mua từ Nhật Bản, Trung Quốc tăng mạnh.
Giá thịt cua nhập khẩu đang giảm đáng kể ở Nhật Bản nhờ nguồn cung từ Nga tăng mạnh. Cua tuyết Nga có giá khoảng 2.000 yen (14 USD) mỗi kg trên thị trường bán buôn, giảm 33% so với mức trung bình năm 2022. Trong khi đó, cua huỳnh đế đỏ của nước này có giá 5.000 yen (34 USD) mỗi kg, rẻ hơn 38%.
Tại chuỗi ẩm thực Uoriki, cua đều có nguồn gốc từ Nga, với giá nhập vào rẻ hơn 20% đến 30% so với năm ngoái. Chợ trực tuyến bán buôn hải sản Morigen Shop chào bán cua nhập khẩu rẻ hơn năm ngoái khoảng 20-30%.
Năm ngoái, nhập khẩu cua của Nhật đạt 74,9 tỷ yen (508 triệu USD). Riêng cua Nga đạt 48,5 tỷ yen (330 triệu USD), tăng 28%, chiếm 64,8% thị phần. Năm nay, trong 35,8 tỷ yen (244 triệu USD) kim ngạch nhập cua 3 quý đầu năm, cua Nga chiếm 24,6 tỷ yen (167,5 triệu USD), đưa thị phần tăng lên 68,8%.
Cua Nga tràn vào đã làm tăng nguồn cung, kéo theo giá cua Canada và Na Uy giảm. Hiện cua Canada có giá 1.800 yen (12,2 USD), cua Na Uy giá 1.900 yen (13 USD) mỗi kg, giảm lần lượt 32% và 51% so với giá trung bình năm ngoái.
Cua Nga bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á khi bị Mỹ và châu Âu cấm vận. Nhật Bản chỉ tăng thuế đối với hải sản Nga vào tháng 4/2022 chứ không bị cấm thâm nhập.
Mỹ cấm bán buôn thủy sản Nga vào tháng 3/2022. Nước này từng là thị trường tiêu thụ cua lớn nhất của Nga, chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, vì là nhà cung cấp chủ lực nên Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết việc cấm cua Nga sẽ có tác động lớn đến ngành chế biến thủy sản đất nước.
Thương nhân Tsukiji Kanisho tại Tokyo khai trương một nhà hàng cua vào tháng 3. Ông dùng cua huỳnh đế đỏ đánh bắt ở biển Barents – ngoài khơi Nga và Na Uy. Theo ông, Mỹ từng chi nhiều hơn các nước khác để mua loại cua đặc biệt đó, nhưng giờ nguồn cung này dễ dàng tiếp cận và rẻ hơn.
Nếu cấm, việc tìm nguồn cung lớn, giá tốt đối với Nhật Bản sẽ không dễ dàng. Cua Alaska (Mỹ) đã giảm và việc đánh bắt một số loài đã bị cấm ở các khu vực như biển Bering và quần đảo Aleutian kể từ 2022. Một nguồn tin nói với Nikkei rằng có rất ít lựa chọn thay thế cho Nga trong việc đảm bảo lượng thực phẩm cần thiết. “Bất chấp những rủi ro chính trị, thương mại với Nga có thể tăng lên trong tương lai”, nguồn tin dự báo.
Theo tuyên bố gần đây của một số nhà sản xuất cua hàng đầu của Nga, nước này đã định hướng lại xuất khẩu cua sang châu Á sau khi thị trường EU và Mỹ bị đóng cửa do lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm ngoái, xuất khẩu cua sống của Nga sang Trung Quốc và Hàn Quốc tăng từ 20% đến 30%. Trong khi nguồn cung cua đông lạnh cũng tăng lần lượt 2,6 lần và 3 lần tại Hàn Quốc và Trung Quốc.
Russian Crab, một trong các nhà sản xuất cua lớn nhất của Nga, nói với tờ Vedomosti (Nga), thị trường Trung Quốc chiếm trung bình 27% doanh số hàng năm giai đoạn 2020- 2023 của công ty. Họ dự báo xuất khẩu năm nay tiếp tục tăng trưởng.
Cua Nga đang có nhu cầu cao trên thị trường Trung Quốc, nhưng các nhà xuất khẩu nói người dân địa phương có ít kinh nghiệm chế biến. Để mở rộng tiêu thụ, các nhà sản xuất có kế hoạch quảng bá thông qua các lớp học chế biến cua.
“Trong Lễ hội Cua Nga ở Thượng Hải (tháng 10/2023), chúng tôi nhận thấy khách hàng quan tâm đến phương pháp và công thức nấu. Vì vậy, trong quá trình quảng bá, chúng tôi thường tổ chức các lớp học ẩm thực cao cấp”, công ty cho biết.
Phiên An (theo Nikkei, Vedomosti)