Tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Stanford, Mỹ, chị Thanh Hương chọn trở về Việt Nam nghiên cứu, giành hàng loạt giải thưởng.
TS Hà Thị Thanh Hương, 35 tuổi, Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y Sinh, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, được xướng tên ở bốn giải thưởng trong năm 2023: Quả cầu vàng, Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, Women of the Future Southeast Asia 2023 (Phụ nữ tương lai Đông Nam Á) và Công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM.
Chị Hương ví 2023 như một năm gặt hái sau thời gian trồng cây, chăm bón. Đây là những thành quả được tích lũy trong quá trình dài nghiên cứu, giảng dạy, không phải ngày một ngày hai mà thành.
“Tôi rất hạnh phúc khi được công nhận ở nhiều giải thưởng uy tín, ban giám khảo là những chuyên gia đầu ngành. Thành quả này có dấu ấn của nhiều thầy cô, đồng nghiệp, học trò ở khoa Kỹ thuật Y Sinh”, TS Hương chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là giáo viên môn Sinh và Hóa, chuyện học các môn khoa học tự nhiên với chị Hương khá suôn sẻ, nhất là môn Sinh. Những năm cấp ba tại trường Phổ thông Năng khiếu, khi theo người thân mắc bệnh trầm cảm đi khám ở bệnh viện tâm thần, chị nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Từ đó, chị nhen nhóm ý nghĩ cải thiện tình trạng này.
Năm 2007, chị Hương trúng tuyển ngành Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Chị thỏa sức đam mê khi được tiếp thu nhiều kiến thức về sinh học phân tử, tế bào gốc, công nghệ sinh học và trở thành thủ khoa của ngành sau bốn năm.
Sau tốt nghiệp, chị làm trợ lý 6 tháng cho một nhóm nghiên cứu về bệnh sa sút trí tuệ do HIV/AIDS gây ra tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, chị Hương ứng tuyển học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để tới Đại học Stanford, Mỹ. Không chỉ trúng tuyển, chị còn nhận thêm học bổng của cựu sinh viên Đại học Stanford, trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học, với trọng tâm nghiên cứu về bệnh tự kỷ.
Chị trải qua khoảng thời gian học nghiên cứu sinh ở Mỹ khá chật vật vì chuyên ngành khác với thời đại học. Cộng thêm khác biệt về ngôn ngữ, chị Hương phải mất thời gian dài mới thích nghi.
“Các thầy cô ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho tôi thấy được ngọn lửa đam mê nghiên cứu. Đến khi qua Đại học Stanford, tôi được trui rèn để có bản lĩnh đi trên con đường này”, TS Hương kể.
Năm 2018, chị Hương tốt nghiệp, chọn trở về làm việc tại khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc tế. Với chị, từ bỏ những cơ hội ở Mỹ và về nước không phải là quyết định khó khăn bởi trước khi du học, chị đã đặt mục tiêu sẽ trở về và thay đổi cách nhiều người hiểu về sức khỏe tâm thần.
“Bạn không thể đơn thuần gặp một người trầm cảm, một bệnh nhân rối loạn lo âu mà nói là bớt buồn bã hay bớt lo đi. Họ thực sự không làm được như vậy”, TS Hương nói.
Thời gian đầu về nước, TS Hà Thị Thanh Hương mất nhiều thời gian tạo mối quan hệ với các bác sĩ, bệnh viện để triển khai ý tưởng nghiên cứu sức khỏe tâm thần. Chị chăm chỉ dự các hội thảo khoa học, giao lưu với đồng nghiệp, chuyên gia và mời họ cùng nghiên cứu. Chị cũng hiểu thêm các bài toán trong lâm sàng, đưa ra định hướng nghiên cứu, làm sản phẩm hỗ trợ bác sĩ, bệnh nhân.
Từ những khảo sát ban đầu, TS Hương xác định có hai bài toán lớn về sức khỏe tâm thần có thể giải quyết dựa trên kiến thức mình đã học, gồm: bệnh liên quan đến stress và Alzheimer (bệnh lý não bộ, gây suy giảm trí nhớ và khả năng suy nghĩ). Năm 2018, bắt tay thực hiện những bài toán cải thiện chức năng bộ não, TS Hương lập nhóm nghiên cứu Brain Health Lab với đồng nghiệp, học viên cao học và sinh viên.
TS Hương nhận thấy Alzheimer là một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, nghiên cứu về bệnh này trở nên cấp thiết.
Nhóm đã phát triển thành công phần mềm Brain Analytics – phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer tự động, nhanh, được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%.
Năm 2022, chị và các cộng sự nghiên cứu đề án tạo kit để phát hiện bệnh Alzheimer tại chỗ. Với kit này, các bác sĩ ở các trung tâm y tế cấp huyện có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh Alzheimer thay vì phải dùng các thiết bị máy móc chụp chiếu hiện đại. Ngoài ra, dựa trên hàm lượng protein p-tau 217, các bác sĩ có thể tiên lượng sự phát triển của bệnh trong những năm tới.
GS Võ Văn Tới, nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, trường Đại học Quốc tế, nhớ lần đầu kết nối với TS Hương vào năm 2015. Nghiên cứu sinh Stanford gọi hỏi lý do ông từ chức giáo sư ở Đại học Tufts, Mỹ, để trở về xây dựng ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Việt Nam.
“Tôi giải thích cho em biết ngành này là gì, tại sao nó cần được phát triển ở Việt Nam, những gì tôi đã làm được ở trường Đại học Quốc tế mà không làm được ở Tufts và cơ hội để những người như Hương đóng góp cho đất nước”, GS Tới chia sẻ.
Khi gặp mặt vào năm 2016, GS Tới ấn tượng với cô nghiên cứu sinh có đôi mắt tinh anh, nhiệt thành, có định hướng rõ ràng và rất gắn bó với quê hương. Ông sau đó gật đầu ngay khi cô ngỏ ý muốn về khoa Kỹ thuật Y Sinh.
“Hương là ngôi sao của khoa Kỹ thuật Y sinh. Tôi tin chắc Hương sẽ cùng các thành viên đưa khoa lên tầm cao mới”, GS Tới nhận định.
Đến nay, TS Hương có khoảng 30 công trình nghiên cứu về bệnh Alzhermer nói riêng và sức khỏe tâm thần nói chung. Nữ giảng viên nói công việc nghiên cứu, viết bài báo khoa học, xin tài trợ hay tìm kiếm đối tác đều rất vất vả. Bù lại, khi nhìn ánh mắt sáng rực của sinh viên vì phát hiện điều mới, hay biết tin bệnh nhân có tiến triển tốt, chị thấy mọi thử thách đều xứng đáng. Ngoài ra, sự ủng hộ từ gia đình là điều may mắn, nguồn động lực rất lớn với nhà khoa học nữ như chị.
“Có lẽ những gì tôi đã làm chưa thay đổi ngay được bức tranh tổng thể về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, nhưng các đồng nghiệp của tôi, các sinh viên sẽ tiếp tục con đường này. Đây là điều tôi tâm niệm mỗi ngày để cố gắng”, chị Hương chia sẻ.
Lệ Nguyễn