TEPCO, đơn vị điều hành Fukushima, thông báo mẫu nước biển ở ngưỡng an toàn sau khi nhà máy hạt nhân này xả thải.
“Chúng tôi xác nhận kết quả mẫu nước được phân tích là dưới 1.500 bq/l (becquerel/lít), giống tính toán trước đó”, người phát ngôn TEPCO Keisuke Matsuo nói ngày 25/8, thông báo về kết quả thử nghiệm mẫu nước biển sau khi Fukushima xả thải.
Bq/l là đơn vị đo độ phóng xạ. Trước khi tiến hành kế hoạch, Nhật Bản đặt giới hạn nồng độ tritium trong nước thải từ Fukushima là 1.500 bq/l, thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 bq/l đối với nước uống.
Ông Matsuo khẳng định kết quả này tương tự các mẫu thử nghiệm trước đó và thấp hơn giới hạn an toàn. Ông nói thêm sẽ tiếp tục phân tích mẫu nước hàng ngày trong một tháng tới.
“Bằng cách cung cấp những lời lý giải nhanh chóng, dễ hiểu, chúng tôi hy vọng sẽ xua tan được những mối lo ngại”, ông Matsuo cho biết.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết cùng ngày đã thu thập mẫu nước biển từ 11 địa điểm khác nhau và sẽ công bố kết quả vào ngày 27/8. Cơ quan Thủy sản nước này cũng bắt hai con cá từ các địa điểm gần đường ống xả nước thải Fukushima.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người phụ trách chính sách hạt nhân của đất nước, khẳng định sẽ chứng minh hành động xả thải là dựa trên khoa học, bằng cách công bố dữ liệu hàng ngày minh bạch.
Nhật Bản hôm 24/8 xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển. TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm 24/8. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, giới chức Nhật Bản từ năm 2021 bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải qua xử lý xuống biển. Nước được lọc, pha loãng triệt để, loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.
Ngay sau khi Nhật xả thải, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản “nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ”. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã yêu cầu Trung Quốc hủy lập tức lệnh cấm này, song chưa nhận được phản hồi.
Nhật Bản cũng chỉ trích Trung Quốc truyền bá “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học” và cho rằng việc xả nước là an toàn, đồng thời lưu ý Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã kết luận tác động của việc xả nước thải phóng xạ đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.
Giới chức Hàn Quốc đã gặp các quan chức IAEA trước khi Nhật Bản thực hiện kế hoạch và bày tỏ tin tưởng vào đánh giá của cơ quan. Tuy nhiên, phe đối lập và nhiều người dân đã phản đối hành động của Nhật. Hôm 24/8, một nhóm sinh viên đã biểu tình, tìm cách xông vào đại sứ quán Nhật ở Seoul.
Ngọc Ánh (Theo AFP)