Vị trí, vai trò tầm quan trọng của TTĐN trên không gian mạng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam
Công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền và đối ngoại của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và trực tiếp triển khai phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, TTĐN đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, tạo dựng và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân toàn thế giới, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước cũng như kiến thiết quốc gia.
Trong Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, yêu cầu chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, thông tin, báo chí, phim ảnh. Ngày 13/6/1992 Ban Bí thư Khoá VII đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW “Về đổi mới và tăng cường công tác TTĐN”, trong đó khẳng định: “Từ Đại hội VI của Đảng, công tác TTĐN của Việt Nam đã thu được một số kết quả tốt trong việc giới thiệu đất nước Việt Nam đổi mới ra nước ngoài, góp phần phân hoá những lực lượng đối địch, từng bước phá thế bao vây, cấm vận và mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình và hợp tác của nhiều nước, nhiều lực lượng trên thế giới…”, đồng thời nhấn mạnh “tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp… nhiều người, nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu đường lối, kết quả đổi mới của nước ta và đất nước, con người của ta; chúng ta cần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính sách đối ngoại của ta để tranh thủ dư luận thế giới và tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Công tác TTĐN phải được đổi mới và tăng cường nhằm đáp ứng những yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày thiết bị và ứng dụng công nghệ số tại Hội nghị chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất, năm 2022.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng phát mạng thông tin toàn cầu (Internet) được sử dụng rộng rãi. Internet trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người dân; là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại khi được tích lũy cùng với sự phát triển, được lưu trữ và cung cấp cho cộng đồng. Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của Internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của Internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thúc đẩy phát triển Internet phục vụ lợi ích của xã hội loài người đã trở thành một xu thế được khẳng định với những cam kết quốc tế mạnh mẽ của các quốc gia. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, từ tháng 11 năm 1997 Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu.
Dưới sự tác động của cách mạng khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các phương tiện truyền thông mới khẳng định ưu thế về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận và thu hút công chúng, làm phong phú thêm phương thức giao tiếp trên toàn thế giới, trở thành công cụ để thông tin, tuyên truyền về những thông điệp chính trị, quảng bá hình ảnh đất nước, đánh giá dư luận, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm con người. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những khoảng trống về luật pháp, xu thế tiêu cực để các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng nhằm đẩy mạnh các hoạt động phát tán thông tin xấu độc, tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại quan hệ của Việt Nam với các nước, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam; kích động các quan điểm chính trị cực đoan chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo dự luận gây hoài nghi, làm giảm niềm tin của nhân dân với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, ngày 14-2-2012, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 16-KL/TW về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định: TTĐN là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng nhằm làm cho thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; quan điểm và lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; giới thiệu những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá dân tộc; đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc về Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận và đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. TTĐN còn giúp nhân dân trong nước tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020, công tác TTĐN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nội dung và phương thức thực hiện công tác TTĐN ngày càng được đổi mới, đa dạng. Nhằm nâng cao chất lượng công tác TTĐN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Trung ương đang xây dựng dự thảo Chiến lược TTĐN đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTĐN trong tình hình mới. Theo đó, TTĐN được xác định: (1) là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng; (2) giới thiệu đến thế giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (3) thể hiện quan điểm, lập trường chủ động, trách nhiệm đối với những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam, các vấn đề quốc tế phù hợp với các giá trị chung của nhân loại tiến bộ; (4) quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người lịch sử, văn hóa, di sản, tri thức khoa học Việt Nam, lan tỏa hệ giá trị quốc gia – dân tộc, hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam; (5) thông tin quốc tế với nhân dân trong nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú kho tàng tri thức, văn hóa Việt Nam; (6) thông tin, phản bác những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tác về Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó góp phần khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, nêu cao tinh thần yêu nước; phát huy ý chí độc lập, tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh, tranh thủ ngoại lực; gia tăng sức mạnh mềm, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nội dung, phương thức hoạt động TTĐN trên không gian mạng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam
Để triển khai công tác TTĐN đạt hiệu quả cao, chúng ta cần xác định đúng, đầy đủ đối tượng của công tác TTĐN, cụ thể như sau: (i) đối tượng của công tác TTĐN ở ngoài nước là các tổ chức, định chế quốc tế, chính giới, học giả, báo chí, nhà kinh doanh, bạn bè quốc tế, nhân dân các nước và người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động và công tác ở nước ngoài; (ii) đối tượng của công tác TTĐN ở trong nước là người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn báo chí, các nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước.
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên không gian mạng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ 4.0
Nội dung hoạt động TTĐN trên không gian mạng bao gồm: (1) Thông tin chính thức về Việt Nam là thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về tình hình Việt Nam trên các lĩnh vực; thông tin về lịch sử Việt Nam và các thông tin khác; (2) thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam là thông tin giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển của Việt Nam; (3) thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam là thông tin về tình hình thế giới trên các lĩnh vực, thông tin về quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các thông tin khác nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh giữa Việt Nam với các nước; phục vụ phát triển kinh tế đất nước; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; (4) thông tin giải thích, làm rõ là những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ các thông tin sai lệch về Việt Nam trên các lĩnh vực; (5) các loại hình hoạt động TTĐN khác.
Phương thức TTĐN trên không gian mạng:
Trước khi mạng Internet bùng nổ, phương thức TTĐN truyền thống, bao gồm: (1) tổ chức sản xuất chương trình, sản phẩm báo chí thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử trong nước và nước ngoài; (2) tổ chức họp báo, thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn thông qua phát ngôn chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước; phát ngôn chính thức tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế, họp báo quốc tế, họp báo trong nước; các cuộc họp báo định kỳ và giao ban báo chí; (3) tổ chức các chiến dịch truyền thông, các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… được tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài; (4) xuất bản các ấn phẩm thông tin tuyên truyền như sách, báo, băng đĩa bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; (5) thông qua trao đổi, giao lưu kinh tế, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân…
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, phương thức TTĐN đã từng bước chuyển đổi từ phương thức TTĐN truyền thống sang sử dụng phương tiện truyền thông trên nền tảng số, truyền thông MXH, cụ thể: (1) đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên không gian mạng thông qua báo, tạp chí và trang thông tin điện tử; các kênh truyền hình được phát trên nền tảng số; các MXH như kênh Youtube, Instagram, Facebook, Twitter…; (2) tổ chức các sự kiện, triển lãm, hội nghị và một số hoạt động đối ngoại bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến mang lại hiệu quả tích cực; (3) số hóa các xuất bản phẩm thông tin tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đăng, phát trên không gian mạng phục vụ công tác TTĐN.
Một số giải pháp đột phá về TTĐN trong bảo vệ tổ quốc đang triển khai hiện nay:
Thứ nhất, Nâng cấp cổng Việt Nam. Cổng thông tin điện tử đối ngoại (địa chỉ truy cập https://vietnam.vn) là nền tảng đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam. Với khối lượng thông tin khổng lồ được tổng hợp từ hơn 100 cơ quan báo chí lớn, 63 cổng thông tin điện tử của các tỉnh/thành phố và các nguồn dữ liệu khác để cập nhật, cung cấp thông tin nhanh chóng, đa chiều về Việt Nam. Mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 tin bài được cập nhật và lựa chọn trên 1.000 tin bài nổi bật hiển thị trên các Chuyên mục của trang.
https://vietnam.vn cũng là nơi giới thiệu những kinh nghiệm hay, những bài học tốt trên thế giới đến người dân Việt Nam, giới thiệu những cá nhân doanh nghiệp của Việt Nam thành công trên thế giới. Bên cạnh đó còn thực hiện liên kết các kênh thông tin điện tử, thông tin đa phương tiện của giữa hoạt động thông tin đối ngoại với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên mạng Internet.
Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam được ứng dụng công nghệ quét tin tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo với nhiều tính năng tiên tiến, giúp tăng cường hiệu suất và tiết kiệm thời gian, chi phí biên tập.
Hệ thống Cổng bao gồm các thành phần: hệ thống phần mềm; lớp bảo mật, mạng phân phối nội dung và hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thu thập, quản lý, xử lý thông tin, lưu trữ, xuất bản, truyền tải và trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác TTĐN.
Cổng thông tin được tích hợp công cụ dịch của Google Translate giúp người dùng không phải mất thêm thao tác tìm công cụ dịch.
Ngày 13/4/2023, ra mắt nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sau 45 ngày chính thức ra mắt dịch vụ, mặc dù đang trong thời gian hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, hệ thống tối ưu công cụ tìm kiếm, chất lượng nội dung và kỹ thuật trang còn gặp phải 1 số hạn chế nhất định nhưng lương truy cập trang cũng gặt hái được những tiến triển đầu tiên. Cụ thể:
Lượng truy cập tháng 4/2023 trên trang https://vietnam.vn là gần 74.000 pageview, thì sang tháng 5/2023 lượng truy cập lần đạt 185.083 pageview (tăng 250% so với tháng 4).
Thứ hạng Website tại Việt Nam liên tục được tăng thứ hạng qua các tháng. Cụ thể, thứ hạng tại Việt Nam từ tháng 2/2023 sang tháng 3/2023 tăng 7109 bậc và sang tháng 4/2023 tăng tiếp tục 2904 bậc. Thứ hạng truy cập trong 114 báo và trang thông tin vào tháng 4/2023 hiện đang ở thứ 86/114 (tăng 24 bậc so với tháng 3).
Thứ hai, Chat GPT – Làm sao để AI có “tính Đảng”. ChatGPT đang là một hiện tượng gây sốt trên toàn cầu vì những tính năng mới mẻ, hấp dẫn của nó, đồng thời cùng vì sự tò mò của người dùng và sự lan tỏa nhanh chóng của nó trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để sử dụng ChatGPT một cách thiết thực, hiệu quả, đòi hỏi người dùng phải có kiến thức nền về vấn đề cần tra cứu thông tin, đủ để phân biệt được những thông tin chính xác, tin cậy hay không và nhất định phải kiểm tra chéo từ nhiều nguồn thông tin, từ đó mới sử dụng chatbot một cách an toàn, hiệu quả, tránh được những thông tin sai lệch hay vi phạm về pháp lý, tác quyền… ChatGPT có thể là một cơ hội nếu chúng ta thực hiện tốt được một số giải pháp cơ bản sau: (i) cung cấp thông tin tri thức đúng đắn, chính thống, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ phổ biến khác một cách đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu trên môi trường internet; (ii) chủ động hợp tác trực tiếp với Chủ sở hữu ChatGPT là OpenAI, sử dụng engine của OpenAI để phát triển dữ liệu thông tin chính thức về Việt Nam; (iii) quản lý tri thức đầu vào một cách hiệu quả, loại bỏ tối đa những thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ v.v… ra khỏi không gian mạng; (iv) có đội ngũ phát triển nội dung thường xuyên tương tác, cung cấp, bồi đắp, huấn luyện cho chatbot những thông tin chính thức về Việt Nam, đồng thời phát hiện, xóa bỏ, cải chính những thông tin sai lệch và nhiều giải pháp khác nữa v.v…; (v) tuyên truyền sâu rộng đến công chúng sử dụng ChatGPT để sử dụng công cụ một cách khoa học, văn minh, đúng mục đích nhằm góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác về Việt Nam cho ChatGPT.
Ngược lại, nếu chúng ta không thực hiện tốt được những giải pháp trên trên, ChatGPT cũng không thể phân biệt được đâu là những thông tin chính xác, đâu là những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ và vô hình trung truyền đi những thông tin sai lệch, thậm chí là những thông tin xuyên tạc, bịa đặt như một số ví dụ được trích dẫn ở phần trên, vốn đang làn tràn, rất khó kiểm soát trên internet hiện nay.
Thứ ba, cơ sở dữ liệu TTĐN. Tri thức là sức mạnh. Tri thức trên không gian số là dữ liệu được số hóa, phân loại một cách có chủ đích, khoa học và dễ dàng tiếp cận. Để Chat GPT hay cổng Vietnam.vn hoạt động hiệu quả, cần có cơ sở dữ liệu (CSDL) về TTĐN đủ lớn, đủ tinh. Nghị định 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN quy định Điều 12 “cơ sở dữ liệu về TTĐN” theo đó giao Bộ TTTT xây dựng CSDL về TTĐN, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí có trách nhiệm phát triển dữ liệu và tích hợp vào CSDL chung về TTĐN do Bộ TTTT phát triển. CSDL về TTĐN khi được hình thành sẽ có:
(1) chức năng số hóa, thu thập dữ liệu chủ động tích hợp từ dữ liệu phục vụ TTĐN của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan và ứng dụng công nghệ thu thập dữ liệu chủ động từ dư luận báo chí nước ngoài (mạng xã hội, báo điện tử, diễn đàn…); (2) sử dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, dữ lý dữ liệu lớn, mạng xã hội… phục vụ phát hiện các thông tin sai lệch về ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam, theo dõi hành vi, hoạt động của các đối tượng khả nghi trên môi trường mạng, cung cấp nội dung thông tin của mọi cá nhân có quan tâm đến Việt Nam (khách du lịch, nhà báo quốc tế, chính khách) về đất nước, con người, chính trị, du lịch, thể thao… các nội dung được tùy biến cho từng đối tượng và là nền tảng đào tạo, tập huấn, chia sẻ tài liệu về TTĐN cho các lực lượng làm công tác TTĐN thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, TTĐN.
Do đặc thù công tác TTĐN liên quan tới nhiều Bộ ngành, địa phương, vì vậy cần có lộ trình đầu tư, xây dựng phù hợp. Ở giai đoạn trước mắt đang ưu tiên xây dựng hệ thống quản lý và khai thác thông tin CSDL phục vụ công tác TTĐN khu vực biên giới.
Thứ tư, phát triển dữ liệu số khẳng định chủ quyền trên không gian mạng. (1) Triển lãm số Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý. Chuỗi Triển lãm trực tiếp tại các đơn vị, địa phương trong cả nước và ở một số địa bàn ngoài nước được tổ chức trong thời gian qua đã tạo thành đợt tuyên truyền mạnh mẽ chưa từng có về chủ quyền biển đảo, mang lại kết quả là đã nâng cao nhận thức, bồi đắp lòng yêu nước rộng khắp tới các giới, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, người dân hiểu biết về luật pháp quốc tế về Luật Biển, hiểu và tin tưởng vào chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước ta ở Biển Đông, cảnh giác, phát hiện và sát cánh hỗ trợ các lực lượng chức năng trong phát hiện và lên án, tẩy chay đối với các hiện tượng tuyên truyền sai lệch về chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2023 tiếp tục mở rộng dữ liệu theo các phương án đấu tranh dư luận theo các kịch bản của Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông – Hải đảo chỉ đạo theo diễn biến tình hình trên thực địa; (2) Triển lãm số thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam qua tài liệu lưu trữ nhà nước với tên gọi “Vì hạnh phúc của mỗi người” từ năm 2019 và qua con mắt của người nước ngoài với tên gọi “Việt Nam hạnh phúc” từ năm 2023; (3) Triển lãm số về 54 dân tộc Việt Nam và thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước về chống phân biệt chủng tộc (CERD).
Vấn đề nhân quyền, qua bàn tay của TTĐN đã được chuyển từ hồ sơ ra công chúng, để dân ta hiểu về nhân quyền, cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng vấn đề nhân quyền, phản bác mạnh mẽ các luận điệu xuyên tạc và củng cố vị thế của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quyền con người ở cấp độ toàn cầu.
Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả TTĐN. Báo chí đối ngoại và báo chí tham gia TTĐN trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực trong thúc đẩy, đưa thông tin chính thức từ VN ra thế giới và từ thế giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác TTĐN, cần đánh giá, đo lường được cụ thể về chất lượng nội dung, tin bài, mức độ tiếp cận và có đúng – trúng đối tượng không.
Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả TTĐN trên báo điện tử là cần thiết nhằm đánh giá hiệu quả TTĐN trên báo chí một cách khách quan, chính xác, và cũng là cơ sở để đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ TTĐN.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, thế giới phẳng và dường như không còn rào cản địa lý trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ số đã đưa con người trên toàn cầu xích lại gần nhau, những thông tin từ khắp nơi trên thế giới được cập nhật liên tục, đa chiều trên không gian mạng khiến cho con người vượt qua được sự xa cách về địa lý và dễ dàng tiếp nhận những nguồn thông tin, tri thức mới.
Tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động với những thuận lợi và thách thức đan xen. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế. Các vấn đề an ninh mạng, an ninh phi truyền thống… tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với quản trị toàn cầu. Tất cả những yếu tố trên đã đặt ra cho công tác TTĐN nói chung và công tác quản lý nhà nước về TTĐN của Bộ TTTT nói riêng những nhiệm vụ nặng nề và đầy thách thức, làm thế nào vừa đấu tranh tuyên truyền bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, chủ quyền biên giới quốc gia; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch… vừa thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, phục vụ đắc lực cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước và ngoại giao nhân dân đạt hiệu quả cao nhất.
TTĐN phải xây dựng được thế trận liên hoàn trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, triển khai các giải pháp tổng thể về TTĐN nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế tính tiêu cực của không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng; lan tỏa thông tin tích cực để định hướng dư luận xã hội, nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, thông tin truyền thông, quản lý không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
(Hết)
Tác giả:
Đinh Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT
Mai Thị Thu Lan – Chuyên viên Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT