“EU đã tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Ngành công nghiệp châu Âu đang đi lùi, đây thực sự là vấn đề rất đáng lo lắng”.
Trong khi ngành công nghiệp EU bị đánh gia tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc và ‘đấu’ với Nga vẫn thua cuộc. Giới chuyên gia cho rằng, họ nên lựa chọn con đường để trở thành những người tiên phong về công nghệ, vật liệu và dịch vụ theo yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Shutterstock) |
Hội nghị Bàn tròn của các nhà công nghiệp châu Âu (ERT) vừa đưa ra cảnh báo trên và kêu gọi các quốc gia thành viên hội nhập sâu hơn vào thị trường chung Liên minh châu Âu (EU), liên minh thị trường vốn và đưa ra các cơ chế tốt hơn nhằm khuyến khích đầu tư vào châu Âu.
ERT là một nhóm gồm 60 công ty công nghiệp lớn – là một trong những động lực chính, thúc đẩy sự phát triển ý tưởng thị trường chung châu Âu trong những năm 1980. Chủ tịch ERT Jean-François van Boxmeer, đồng thời là Chủ tịch của Công ty Viễn thông đa quốc gia Vodafone (Anh) cho biết, họ muốn đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể về thực lực cạnh tranh của ngành công nghiệp khu vực.
Công nghiệp châu Âu đang đi lùi
Và kết quả phân tích có vẻ “khá buồn”, chẳng hạn một nghiên cứu mới của ERT đã cho thấy, EU chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ít hơn đáng kể so với nhiều nước cùng trình độ phát triển – chỉ đạt 2,27% GDP, so với 2,40% ở Trung Quốc, 3,45% ở Mỹ và 4,81% ở Hàn Quốc.
Hơn nữa, 15 năm qua đã chứng kiến sự khác biệt đáng kể về tăng trưởng kinh tế giữa EU và Mỹ, khi EU mắc kẹt với các chính sách thắt lưng buộc bụng phản tác dụng về mặt kinh tế vĩ mô, làm giảm đầu tư, thì các nước có điều kiện tương đương, đều có đầu tư tích cực hơn.
“Nếu bạn nhìn vào sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa Mỹ và châu Âu, rồi dự đoán trong 10 năm nữa. Khi đó, nơi đây có thể trở thành một “khu bảo tàng siêu đẹp” để mọi người đến tham quan, nhưng không còn là một nơi thịnh vượng nữa”, Chủ tịch ERT nói.
Jacob Wallenberg – một thành viên khác thuộc Ban chỉ đạo ERT, đồng thời là Chủ tịch Investor AB, công ty đang nắm giữ cổ phần chi phối của nhiều công ty ở Bắc Âu, cũng lo lắng không kém.
“Đường phát triển của châu Âu đang thực sự có vấn đề, dường như là thiếu cảm giác phải cạnh tranh sống còn”. Công cụ theo dõi công nghệ của Viện Chính sách chiến lược Australia nhằm giám sát tác nhân nào đang dẫn đầu về công nghệ nào, cho thấy – trong số 44 công nghệ, Trung Quốc dẫn đầu tới 37 công nghệ, Mỹ đứng thứ hai. “EU đang vắng mặt một cách đau đớn”, ông Wallenberg nói.
Hiện tại, không có nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế tại châu Âu sẽ lên cao trong các tháng tới. Một khảo sát do S&P Global thực hiện tuần trước cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp khu vực này hiện giảm mạnh nhất 3 năm. Số đơn hàng mới giảm mạnh. Các bộ phận mua hàng cũng giảm nhân lực lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021.
Nhiều khu vực tại châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn hơn. Đức phải vật lộn với việc liệu có thể duy trì ngành hóa chất đủ lâu để tìm các nguồn năng lượng mới, sạch và rẻ hơn hay không. Ngành này hiện tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu. BASF – hãng hóa chất lớn nhất châu Âu, ngày 31/10 thông báo doanh thu 9 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy, họ sẽ giảm đầu tư mới.
Ngược lại, số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tăng tốc trong tháng 10. Trong khuôn khổ “đầu tư khủng” từ bộ ba đạo luật then chốt của chính phủ đương nhiệm, gồm Đạo luật giảm lạm phát; Đạo luật chip và khoa học; Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, giới chuyên gia cho rằng, với sức mạnh tổng hợp và năng lực đổi mới sáng tạo của Mỹ, sẽ là sai lầm chiến lược nếu đánh giá thấp sự hồi sinh nền sản xuất công nghiệp hàng đầu này.
Với nền kinh tế Trung Quốc, các số liệu được công bố cuối tháng 10 cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp lớn tại nước này trong tháng 9 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc dần thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn. Động lực phục hồi được dự báo có thể kéo dài sang quý IV và cả đầu năm 2024, đặc biệt khi các biện pháp kích thích mới tiếp tục được triển khai.
Kinh tế Nga hồi sinh
Trong khi đó, trong “nỗi buồn” của EU, chính các lệnh trừng phạt chống Nga do chính họ phát động được cho là đã bộc lộ những điểm yếu của kinh tế phương Tây.
Trong một báo cáo gần đây, Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo, năm 2023, Nga sẽ là một trong số ít nước G20 có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng tốc. GDP năm 2024 tiếp tục được dự đoán tăng trưởng.
Tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 và 2024 cũng đã được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo.
Mới đây nhất, trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới công bố ngày 10/10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lần thứ 3 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2023 lên 2,2%, tăng mạnh so với dự đoán hồi tháng 4 là 0,7% và tháng 7 là 1,5%.
Điều đáng ngạc nhiên là, tổng khối lượng xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga – nguồn thu ngoại tệ chính của nước này, không thay đổi đáng kể, bất chấp 11 vòng trừng phạt từ phương Tây nhằm vào ngành năng lượng.
IMF đã phải thừa nhận rằng, chính những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga, thông qua các lệnh trừng phạt, đã thúc đẩy Moscow thích nghi tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt mới. Và Moscow đã thành công trong việc tìm ra con đường vượt qua khó khăn.
Những đánh giá lạc quan nói trên được minh chứng cụ thể bằng số liệu năng lực sản xuất của Nga trong quý 2/2023, đạt mức tăng trưởng kỷ lục – 81%; chỉ số tăng trưởng khai thác mỏ, sản xuất và xây dựng đạt 77,7%, theo Ngân hàng Trung ương Nga.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Trung ương Nga ghi nhận hoạt động đầu tư gia tăng. Các nhà máy đã định hướng lại theo nhu cầu trong nước. Kết quả là, việc tăng cường các chương trình thay thế nhập khẩu đã giúp họ tăng sản lượng. Các nhà sản xuất Nga cũng đầu tư vào hiện đại hóa và cải tiến sản xuất nhiều hơn trước đây.
Được biết, số kinh phí trước đây lẽ ra được đầu tư để đảm bảo các đường cung cấp cho châu Âu, giờ đã được chuyển hướng sang phát triển kinh tế của chính nước Nga – vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách EU đã không nhận thấy khi họ ngăn chặn, hoặc không khuyến khích trao đổi thương mại với Moscow.
Các nhà phân tích thuộc Viện Chính sách kinh tế (IEP) Yegor Gaidar, dù khá dè dặt trong các đánh giá về nền kinh tế trong nước cũng đã cho biết, hoạt động sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, dệt may và quần áo; sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử, quang học, ô tô, kim loại thành phẩm, đồ nội thất và thiết bị điện… đều tăng trưởng tốt, đạt trên hàng chục phần trăm – điều chưa từng xảy ra trước đây với nhu cầu nội địa. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng tháng thứ 7 liên tiếp.
Nền kinh tế Nga đã hồi sinh, điều này hực sự khiến các chuyên gia phương Tây bất ngờ. Trong khi ở phía bên kia, Chủ tịch Deutsche Bank Christian Stitch mới đây nhận định rằng, nền kinh tế đầu tàu – Đức sắp trở thành nền kinh tế yếu nhất trong EU, cả năng lượng và sản xuất đều đang suy giảm, chủ yếu là do chi phí năng lượng cao hơn đáng kể, kể từ khi nguồn cung từ Nga bị cắt.
Trước đây, Đức và Pháp đóng vai trò là động cơ sản xuất chính của EU và chia sẻ một phần sản lượng còn lại cho các vùng có lao động hoặc tài nguyên rẻ hơn. Nhưng nay, một phần động lực năng suất đó sẽ không quay trở lại, vì các nhà sản xuất lớn của khu vực hiện quan tâm hơn tới các cơ hội chuyển vùng tới các nền kinh tế khác ngoài EU.
Chẳng hạn, Volkswagen của Đức đã hủy bỏ việc xây dựng một nhà máy pin ở Đông Âu để tập trung cho cơ sở tương tự ở Canada, nhằm tận dụng hàng tỷ USD trợ cấp và các khoản vay ưu đãi của chính phủ sở tại.
Dù không muốn, phương Tây hiện phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Nga trên thực tế đang duy trì tốt vị thế của mình trước các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU đang áp đặt. Một nghịch lý là, sau khi bị chặn đầu ra và ép giá trần, doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng, khối lượng xuất khẩu trong tháng 9 đã tăng lên mức trung bình 3,3 triệu thùng/ngày. Tháng 10, Bộ Tài chính Nga dự kiến sẽ nhận được nguồn thu bổ sung từ dầu khí gần gấp đôi vào ngân sách tài chính ban đầu là 513,48 tỷ Ruble (5,5 tỷ USD).
Giá dầu Urals của Nga hiện đã tăng lên trên 80 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức trần 60 USD/thùng mà các nước G7 đã cố gắng áp đặt. Hơn nữa, với xung đột ở Trung Đông, một số nhà phân tích còn dự đoán, giá dầu thế giới có thể còn tăng lên 150 USD/thùng. Đây lại là tin tốt cho Nga và xấu đối với EU.