Theo các nhà khoa học, các giải pháp công nghệ mới không chỉ giúp doanh nghiệp cạnh tranh bền vững trên thị trường mà còn giúp tạo ra giá trị gia tăng.
9h ngày 17/5, Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2023 (Young Scientist Summit) diễn ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ, với chủ đề “Các nhà khoa học trẻ và mục tiêu phát triển bền vững”.
Từ sáng sớm, hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và các tác giả dự thi đã có mặt. Nguyễn Thị Thảo Ngân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết chủ đề Hội nghị năm nay ý nghĩa, thể hiện tầm nhìn và khát vọng khoa học có thể đóng góp vào sự phát triển dài hạn. Em cũng mong đợi thông tin chia sẻ có thể phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá cao Báo VnExpress tổ chức sự kiện. Ông cho rằng, đây là diễn đàn, nơi chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, là sân chơi để các nhà khoa học trẻ có thể được trình diễn các kết quả nghiên cứu.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023 thu hút hơn 130 hồ sơ tham dự cuộc thi với nhiều sáng kiến đến từ các các nhóm nghiên cứu, nhà sáng chế không chuyên, các thầy cô giáo… theo Thứ trưởng “rất đáng ghi nhận”. Ông mong rằng phong trào này sẽ ngày càng được nhân rộng, giúp cộng đồng có cuộc sống thuận tiện hơn khi ứng dụng các sáng tạo, giải pháp khoa học, kỹ thuật vào đời sống.
Ông dẫn số liệu Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược”, “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ trưởng định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn.
Là diễn giả mở màn, TS Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói về các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong chiến lược phát triển hiện nay. Theo ông, tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế đã kéo theo các vấn đề về môi trường và các vấn đề ô nhiễm cần giải quyết trên nhiều địa phương và xuyên biên giới. Ông chỉ ra nguyên nhân đến từ sự tăng trưởng quy mô nền kinh tế và dân số, biến đổi khí hậu, tồn tại quan điểm ưu tiên tăng trưởng nền kinh tế trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý, vấn đề về chính sách, pháp luật.
Để giảm ô nhiễm môi trường, ông Huy đưa ra ý kiến cần chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, ít phát thải. Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện tái tạo lên 70% vào năm 2030. Việc này đòi hỏi nhiều sự đầu tư nhưng mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường.
Theo ông, Việt Nam đang làm tốt công tác phòng chống thiên tai nhưng cần có sự đầu tư thêm để đảm bảo các hoạt động được nâng cao. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra các thách thức khiến thị trường sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, công nghệ trong nước còn chậm, khung pháp lý, thể chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế quản lý khoa học…
Là diễn giả thứ hai, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital nhắc đến vai trò của khoa học công nghệ trong nền kinh tế xanh. Theo ông trước đây, các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp chỉ nhìn vào các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền… nhưng hiện nay, các quỹ đầu tư đánh giá thêm tiêu chí ESG, xem hoạt động của doanh nghiệp có thể gây ra những rủi ro với môi trường như thế nào, doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững ra sao. “Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đến quốc gia đang phát triển vận hành theo xu hướng này”, ông nhấn mạnh.
Là diễn giả thứ ba, Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Trường đại học Phenikaa, chia sẻ hướng giải pháp trong bảo vệ môi trường. Nữ tiến sĩ chia sẻ về chất ô nhiễm trong môi trường, phổ biến tại các lưu vực sông ở Việt Nam là các kim loại (Zn, Cu, Pb, Cd, etc.) các chất hữu cơ khó phân hủy, và đến từ hoạt động như khai thác mỏ và hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân cũng đốt rác thải tự phát.
Để giải quyết, nhóm theo đuổi hai hướng nghiên cứu gồm giảm thiểu dioxin ở đất, trầm tích và các chuỗi thức ăn bị nhiễm dioxins và tìm câu trả lời cho những dòng sông “chết”. “Kết quả cho thấy, công nghệ xử lý ô nhiễm dioxin bằng thực vật được phát triển và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi cho những vùng ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy”, bà Hường nói.
Cuối bài phát biểu, TS Hường cũng chỉ ra một điểm nóng khác là ô nhiễm vi nhựa, gây ảnh hưởng cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nước, truyền chất độc đến chuỗi thức ăn cho con người và sinh vật. Bà cho biết trường Đại học Phenikaa đã hợp tác Đại học Heriot-Watt (Anh) để nghiên cứu về ảnh hưởng ô nhiễm vi nhựa ở đại dương lên một số nền kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Dự án mới bắt đầu từ 2022, tiến hành thu mẫu ở bờ biển Việt Nam và đang được phân tích.
Sau phiên chính, hội nghị bước sang phần tọa đàm với sự góp mặt 3 diễn giả trình bày trước đó, cùng ông Bùi Xuân Hương – Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank. Các diễn giả đã phân tích sâu về những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp triển khai nghiên cứu, áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Nói về giải pháp giúp phát triển bền vững, ở góc độ nhà khoa học, TS Ngô Thị Thuý Hường đánh giá nếu các doanh nghiệp cam kết sản xuất và làm theo 17 mục tiêu phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều nhất. Bởi khi sản phẩm của doanh nghiệp được gắn mác bền vững thì sẽ được người dân đón nhận, từ đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều. Điều này cho thấy sự đồng hành của doanh nghiệp trong phát triển bền vững là cần thiết. Theo bà, doanh nghiệp cần đồng hành cùng đội ngũ nhà khoa học, đảm bảo cho sản phẩm đạt mục tiêu bền vững. “Khi thực hiện dự án, các nhà khoa học cần tìm hiểu nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp chứ không chỉ chờ doanh nghiệp đưa ra bài toán cho mình để tư vấn và gợi ý”, bà Hường nhấn mạnh.
Các diễn giả đều đồng tình doanh nghiệp và nhà khoa học cần đồng hành cùng nhau. Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào cam kết này và có những giải pháp cụ thể như tiết kiệm năng lượng, chi phí hay giảm thiểu lượng phế phẩm hoặc tái sử dụng. Ông thông tin quỹ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là SME trong quá trình phát triển các mô hình kinh doanh bền vững. Quỹ đầu tư khởi nghiệp của VinaCapital liên quan chủ yếu đến công nghệ, nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kho bãi, nguyên liệu và hạn chế chất phát thải.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cho biết thời gian qua, ngân hàng đẩy đầu tư đến tỉnh vùng sâu vùng xa, định hướng chuyển đổi số và phần nào góp phần tăng trưởng kinh tế cho các địa phương. Ngân hàng đặc biệt quan tâm đến những nhà khoa học, đặc biệt là khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực.
TS Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết một số thị trường mới đang hình thành như thị trường về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp hay sản phẩm thân thiện môi trường, trong số này thị trường carbon đang tạo ra tiền tệ mới. “Đây là một thị trường mới, vừa phục vụ doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí CO2, hiệu ứng nhà kính, đóng góp phát triển bền vững, tạo ra tiền tệ mới”, ông nói. Theo ông hiện ở Việt Nam đã có 900.000 doanh nghiệp đã tiếp cận để hỏi về tiến trình các-bon với các vấn đề về cơ chế, định giá. Ông Huy đánh giá, doanh nghiệp đi rất nhanh trong vấn đề này và tạo ra tính cạnh tranh.
Kết thúc phần tọa đàm, các diễn giả giải đáp các câu hỏi của sinh viên và tác giả dự thi. Trả lời sinh viên về kinh nghiệm để có thể trở thành một nhà khoa học, TS Ngô Thị Thuý Hường cho biết, đam mê là điều cần thiết nhất đối với các bạn trẻ, sẽ giúp các bạn tìm được đích đến, bên cạnh đó cũng cần một người thầy để giữ lửa đam mê.
Hội nghị Nhà khoa học trẻ khép lại với chương trình bốc thăm may mắn với 5 độc giả nhận được phần quà từ Ban tổ chức là phần quà là 01 Pin sạc dự phòng Xiaomi Power Bank 3 Ultra Compact, trị giá 600.000 đồng.
Như Quỳnh
Xem diễn biến chính