Trên giấy khen của một bé học sinh lớp 3 một trường tư ở Hà Nội ghi công nhận em… “với danh hiệu Công chúa tóc mây và những điều ngọt ngào mà em mang đến trong năm học này”.
Mẹ cô bé kể, trong lớp học sinh nào cũng có những tờ giấy khen như thế. Không có áp lực điểm số, không có áp lực phải xuất sắc mà chỉ có sự ấm áp và những lời khen đúng nghĩa dành cho trẻ em.
Trong một chuyến đò ngược sông lên điểm trường ở Đakrông (Quảng Trị), cô kế toán của trường này kể rằng tranh thủ xuống đồng bằng để mua nhiều giấy khen, số giấy khen nhiều gấp 3-4 lần số học sinh.
Vì trường rất cần “khen”, không phải chỉ cuối kỳ, cuối năm mà khi nào học sinh tiến bộ thì khen. Không chỉ khen học tốt, mà còn khen các em chăm chỉ, đi học đúng giờ, giữ chân tay sạch sẽ, biết nhường nhịn bạn… Khen để bọn trẻ phấn chấn, vui vẻ và thích đến trường, thi đua nhau chăm học.
Còn cách khen chính thức thì sao? Đã có quy định và quyền chủ động, linh hoạt được đặt vào tay các trường, thầy cô giáo.
Có nhiều thay đổi trong quy định của ngành giáo dục về việc đánh giá học sinh, trong đó nhấn mạnh đến việc đánh giá thường xuyên, những tiến bộ về năng lực, thái độ, cảm xúc của học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện.
Việc khen ngợi học sinh không chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng mà cần người thầy đồng hành, khích lệ những nỗ lực, tiến bộ của trẻ.
Cũng có nhiều quy định khác hướng tới việc cá nhân hóa trong giáo dục, coi trọng, khích lệ những điểm mạnh khác nhau của mỗi học sinh. Học sinh giỏi không phải chỉ giỏi văn, giỏi toán, mà có thể nổi trội ở môn mỹ thuật, môn thể dục, ở hoạt động ngoại khóa, ở sự chia sẻ giúp đỡ bạn bè, tính kỷ luật hay tinh thần trách nhiệm…
Nhưng phần lớn cha mẹ hiện nay lại chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng. Đó là tấm giấy khen với các danh hiệu giỏi, xuất sắc. Và nhìn ở góc độ khoa học thì khó có thể có nhiều học sinh xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực, cho dù yêu cầu với học sinh tiểu học không cao siêu.
Thế mới có chuyện phụ huynh thất vọng vì “chữ H” (con chỉ hoàn thành mà không hoàn thành tốt) nên “trượt xuất sắc”. “Xuất sắc” vô hình trung trở thành đích duy nhất để con trẻ phải phấn đấu, đạt bằng được.
Nó không còn là sự khen đúng nghĩa, không mang lại hạnh phúc, sự ấm áp, ngọt ngào nữa mà là áp lực căng thẳng.
Và điều đáng tiếc là các cơ quan, đoàn thể, hội khuyến học, khuyến tài không hề cập nhật những thay đổi trong quy định đánh giá, khen thưởng học sinh để có các hình thức khen đa dạng hơn, sát thực tế và có thể khiến nhiều trẻ được khích lệ hơn. Đâu đâu cũng chỉ thấy khen những trò có danh hiệu giỏi, xuất sắc.
Quá nhiều giỏi, xuất sắc trong một lớp thì ngành giáo dục cũng bị hoài nghi, bị phê phán. Vì thiếu chữ H, bớt đi một học sinh xuất sắc, nhà trường, thầy cô cũng có thể trở thành mục tiêu bị chê trách.
Mọi biểu hiện đang chỉ cho thấy tâm lý chạy theo những thứ hình thức luôn tồn tại và được cộng hưởng bởi cả xã hội.
Không ai đặt ra câu hỏi cho con trẻ: Con thích danh hiệu “công chúa tóc mây” hơn hay “học sinh giỏi xuất sắc hơn”?
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-chua-toc-may-va-danh-hieu-xuat-sac-20240601094328546.htm