Các tạp chí chuyên ngành được một số tổ chức xếp hạng theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau, một trong số đó là chỉ số ảnh hưởng, quy trình đánh giá phản biện nghiêm túc.
Nhóm tạp chí ISI do Thomson Reuters xếp hạng theo chỉ số ảnh hưởng (impact factor) bằng cách tính số lượt trích dẫn giữa các nghiên cứu. Scimago, tổ chức chuyên cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, trụ sở tại Tây Ban Nha, thì phân tích công phu và chặt chẽ hơn với nhiều chỉ số khác nhau trong đó có xếp hạng tạp chí theo Q1, Q2, Q3, Q4. Tạp chí quốc tế có uy tín là những tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu lớn như Web of Science và Scopus, của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới như Elsevier, Springer, Sage.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM, các nghiên cứu sẽ được chấp thuận đăng trên tạp chí nếu đáp ứng các yêu cầu của Ban biên tập. Những nghiên cứu đó trước hết phải phù hợp với nội dung chuyên ngành mà tạp chí phụ trách. Nghiên cứu sẽ dễ dàng được chấp thuận đăng nếu có nhiều số liệu; có tính mới; trình bày đúng quy định, có ngôn ngữ (tiếng Anh) đúng ngữ pháp, đúng chính tả, rõ ràng ngữ nghĩa; có hàm lượng bàn luận logic; không sao chép (đạo văn); và được phản biện bởi một số nhà khoa học do Ban biên tập mời qua email.
Các sản phẩm công bố như vậy thường được các hội đồng thẩm định duyệt kinh phí chấp nhận làm sản phẩm nghiệm thu của đề tài nghiên cứu khoa học. “Các cơ quan và đơn vị chủ trì cũng xem đó là thành tích học thuật của hoạt động nghiên cứu bởi cán bộ, giảng viên, sinh viên của mình”, ông nói.
TS Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường ĐH Thành Đô, lưu ý cách nhận diện các tạp chí uy tín để công bố kết quả nghiên cứu.
Theo đó, các tạp chí quốc tế có quy trình đánh giá phản biện nghiêm túc và chặt chẽ, không chỉ đánh giá chất lượng còn có hậu kiểm.Các tạp chí phân theo Q1, Q2, Q3, Q4, trong đó tạp chí uy tín thường có thời gian phản biện lâu, yêu cầu phản biện khắt khe, thậm chí có những thư trả lời phản biện còn dài hơn bài báo gốc. “Tôi từng biết trường hợp bài báo có thời gian phản biện hơn 11 năm, tác giả qua đời trước khi công trình được công bố”, ông nói và cho biết thêm tạp chí cao cũng những yêu cầu khắt khe, khó và có khoảng cách so với những tạp chí khác.
TS Hiệp khẳng định có một số nguyên tắc quan trọng hàng đầu nhà khoa học cần tuân thủ quy chuẩn để đảm bảo chất lượng công trình khoa học, trong đó có độ tin cậy, tính trung thực của nghiên cứu và tính trách nhiệm, không được ngụy tạo dữ liệu, chỉnh sửa kết quả làm ảnh hưởng kết quả nghiên cứu và tôn trọng đạo đức.
Ông cũng lưu ý có một số tạp chí sinh ra với chủ đích không minh bạch đánh lừa bằng cách lấy tên gần với tạp chí uy tín. Những nhà khoa học non kinh nghiệm có thể bị vướng bẫy nộp tiền đóng phí đăng bài trên tạp chí “dỏm” dẫn tới mất tiền oan, thậm chí có trường hợp khi nhận ra cũng không thể rút được bài.
Để các nhà khoa học lựa chọn tạp chí phù hợp cũng như cách tính điểm trên từng tạp chí, năm 2019 Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) năm 2019 đã ban hành danh mục tạp chí thuộc nhóm Q1, Q2 và Q3 theo từng chuyên ngành với 6.940 tạp chí. Danh mục tạp chí ISI có uy tín 2.277 tạp chí.
Tại Việt Nam, hiện có 14 tạp chí khoa học được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu (CSDL) khoa học lớn như Scopus và Web of Science.
Hiện có khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS (Web of Science, còn gọi là ISI – cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới), 90% trong danh mục Scopus và hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia đến từ các trường đại học.
Xem thêm: 14 tạp chí khoa học của Việt Nam được chỉ mục trên Scopus và Web of Science
Như Quỳnh