Dễ đánh mất chính mình
Vấn đề bản lĩnh, cá tính sáng tạo của nhà thơ đã được nhắc đến nhiều khi nhà thơ, nhà phê bình, bạn đọc và cả báo chí, tìm và mong thấy được những giọng thơ mới mẻ, đặc sắc, có nét riêng không trộn lẫn. Tuy nhiên, không dễ để lọc được ra những gương mặt, giọng điệu như thế cũng như chỉ rõ ra bản lĩnh, cá tính của họ trong đời sống thơ trùng điệp, lẫn lộn hôm nay.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà thơ Đặng Huy Giang cho biết: Đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối. Chính nhờ bản lĩnh, mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập. Tuy nhiên, có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu…cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu…cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Từ đó, tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh.
Còn với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc đăng thơ quá dễ. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản được sách. Và việc tự xuất bản thơ qua facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ. Nên vậy, việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền.
“Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài” – nhà thơ Đặng Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, thực tế sáng tác và thẩm bình những năm qua, người làm nghề chứng kiến không ít trường hợp từng đột khởi, vụt sáng một chặng đường. Nhưng trên tiến trình đi tìm rõ nét hơn khuôn mặt mình, thì lại dần thỏa hiệp với trạng thái đắm mê, bay bổng và những lấp lánh ban đầu mà mình đã có được. Cũng như mối quan tâm đối với sự cách tân, đổi mới, biến đổi chính bản thân mình dần lại trở nên thứ yếu so với việc quan trọng nhất lúc này là giành giữ ngôi vị, so bì hơn kém, chiếm lĩnh giải thưởng, danh hiệu, tận dụng báo chí và xúc tiến truyền thông cho tên tuổi bản thân… Những điều đó vô hình chung khiến cho thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới.
Điều đáng ngại đó là tạo nên một trạng thái quẩn quanh của cá nhân người viết với bản thân mình, của nhóm người viết trong công tác chung, trong hoạt động phong trào. Khi đó thì không phải từ bên ngoài, mà chính nhà thơ lại là đối tượng đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất với tài năng, cá tính của anh ta.
Vậy nên nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng: “Bản lĩnh hay cá tính không phải tự nhiên mà có cũng như không phải đã hình thành nên rồi thì ổn định, vững chãi như thế mãi. Mà cần có sự trải nghiệm để đắp bồi bản lĩnh, không thể thiếu tri thức và lửa sáng tạo, đổi mới để định hình và màu sắc cá tính”.
Cần có sự cổ vũ của độc giả
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, cái đấy là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian. Ở một góc nhìn sâu xa hơn, ta thấy bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của anh ta, nếu thiếu hai yếu tố này, tôi nghĩ bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực”.
Còn theo nhà thơ Bùi Tuyết Mai, để có được một tác phẩm đi cùng năm tháng, đòi hỏi người sáng tác phải hội tụ được rất nhiều yếu tố đặc biệt về tư tưởng, tình cảm, tâm lý, tính cách, nghị lực và tài năng cũng như bản lĩnh nghề nghiệp để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Bên cạnh những yếu tố đó, độc giả cũng là một động lực quan trọng giúp cho nhà thơ giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp
“Những tác phẩm thơ ca nói riêng, văn học nói chung – kết quả lao động của tác giả tiếp tục trải qua những tầng nấc trải nghiệm – thưởng thức và kiểm nghiệm khắt khe của độc giả. Với ý nghĩa đó, có thể nói, nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật trong thực tiễn đời sống tinh thần của công chúng có tác động rất lớn đến đời sống sáng tác của nhà thơ. Đồng thời, nhân cách, đạo đức, tài năng và tác phẩm của họ trong quá trình tương tác với công chúng đã có sức ảnh hưởng rất lớn, thậm chí làm nên phong cách, thẩm mỹ của cả một thế hệ, chi phối tư tưởng của cả một thời đại.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc phần lớn độc giả văn học không có sự chuẩn bị, đào tạo kỹ lưỡng chính là rào cản cho sự kế thừa và phát triển của văn học. Quan sát nhiều sự kiện trong đời sống thực tế diễn ra trong thời gian dài vừa qua tôi nhận thấy đã có không ít cá nhân, cơ quan chưa quan tâm đến nền tảng tinh thần của xã hội, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chưa tôn vinh văn hóa đọc và định hướng độc giả cũng như các giá trị văn học đích thực” – nhà thơ Bùi Tuyết Mai cho biết thêm.
Qua đó, theo nhà thơ Bùi Tuyết Mai cho rằng: Chúng ta cần phải có được những độc giả yêu văn học để tiếp nối truyền thống sáng tạo trên nền kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng của nước ta. Bởi vì, công chúng sẽ là nguồn cổ vũ, khuyến khích cho phong trào sáng tác, biểu diễn chuyên nghiệp có nghệ thuật cao và thẩm mỹ hiện đại”.