Ngày 9.12, UBND H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức lễ ký cam kết tham gia giảm nhựa và ra mắt mô hình check-in “Du lịch giảm nhựa” tại Côn Đảo với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch hoạt động trên địa bàn huyện.
Việc ký cam kết này nhằm truyền tải thông điệp du lịch giảm nhựa và vận động các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hoạt động trên địa bàn huyện cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển tại Côn Đảo. Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần để thu hút khách du lịch nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới nói không với rác thải nhựa tại Côn Đảo vào năm 2030.
Huyện Côn Đảo có nhiều thế mạnh cảnh quan thiên nhiên nhưng những năm gần đây, các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo khoảng 25 tấn/ngày trong khi lượng rác thải tồn đọng tại Bãi Nhát hơn 100 ngàn tấn vẫn chưa được xử lý. Theo WWF-Việt Nam, lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch chiếm khoảng 41,5% tổng rác nhựa phát sinh của toàn Côn Đảo.
Côn Đảo là địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” do WWF khởi xướng với cam kết nỗ lực giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát.
Trước những khó khăn thách thức từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Côn Đảo, ông Huỳnh Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Côn Đảo khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường, cam kết hành động giảm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xây dựng sản phẩm du lịch Côn Đảo tuần hoàn, ban hành chính sách nghiêm ngặt về môi trường “không nhựa 1 lần” trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo. Tăng cường các chương trình thu gom, xử lý và tái chế các loại chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn; tuyên truyền về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giảm dần sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt…