Chiều 8/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi được biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến hưởng ứng, cụ thể hóa Phong trào thi đua đặc biệt bằng Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Chương trình được đánh giá thành công cả ở 3 phương diện: Phát động, tổ chức thực hiện; kết quả mang lại và hiệu ứng lan tỏa.
Thủ tướng cho rằng, các sáng kiến đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động Việt Nam kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và trong giai đoạn bình thường mới, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Thông qua việc phát huy sáng kiến, sáng tạo, khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, vai trò tiên phong, sáng tạo, đổi mới của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn, sức sáng tạo và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân trong tình hình mới, Thủ tướng đề nghị công đoàn các cấp cụ thể hóa, quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Cần chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động công đoàn với mục tiêu vì đoàn viên, vì người lao động; nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo của cán bộ công đoàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Công đoàn phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động; quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thi đua gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua vượt khó, phát triển do Thủ tướng Chính phủ phát động trên tinh thần “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, tập trung thúc đẩy phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo khí thế thi đua sôi nổi, vận động, cổ vũ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực cống hiến, lao động sáng tạo, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam, của người đứng đầu công đoàn các cấp đồng hành cùng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhất là Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, coi đây là động lực khơi nguồn cho sức mạnh trí tuệ, sáng tạo và hiệu quả của người lao động Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội xây dựng các chương trình hoạt động chung nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững đất nước thông qua việc vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của từng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của các cơ quan, đơn vị, sự phát triển bền vững của đất nước.
Các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động công đoàn, nhất là hoạt động phát huy sáng kiến, sáng tạo trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.
Với các tập thể, cá nhân được tuyên dương tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị tiếp tục cố gắng, trăn trở, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn, xứng đáng là hạt nhân, là tấm gương sáng, lan tỏa để mọi người noi theo như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” được triển khai từ 1/9/2021 với mục tiêu đến 1/9/2023 đạt 1 triệu sáng kiến. Tuy nhiên, với tinh thần “chủ trương mới, quyết liệt, kết quả cao”, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước đã hưởng ứng tích cực, tham gia chương trình. Tính đến ngày 3/10/2022, Chương trình đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến – hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng. Đến nay, cả nước đã có hơn 2 triệu sáng kiến gửi tham gia Chương trình; nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, trên 100 tỷ đồng/năm; tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao như: sáng kiến “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A”, giá trị làm lợi 292 tỷ đồng của nhóm tác giả Nguyễn Đắc Luân và đồng nghiệp, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu; sáng kiến “Tiết kiệm nhiên liệu bay”, giá trị làm lợi 263 tỷ đồng của Đoàn bay 919; sáng kiến “Gia tăng nguồn vốn đảm bảo an toàn thanh khoản”, với giá trị làm lợi 239 tỷ đồng của tác giả Trần Thị Thúy Liên và đồng nghiệp, Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; sáng kiến “Cải tiến giảm tỷ lệ lỗi Resolution ở ACT Line”, giá trị làm lợi 104 tỷ đồng, của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Công ty Samsung Electronics VietNam; sáng kiến “Cải tiến và tối ưu hóa thiết kế của hộp đựng phụ kiện cho sản phẩm máy in”, có giá trị làm lợi 104 tỷ đồng, của tác giả Nguyễn Văn Minh, Công ty Canon Việt Nam…