Phẫu thuật cắt bỏ túi mật làm thay đổi cấu trúc đường mật và hệ thống tiêu hóa, có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lượng, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định trong trường hợp có triệu chứng, biến chứng của sỏi túi mật; viêm túi mật; u túi mật (u cơ tuyến ống túi mật), ung thư túi mật.
Phẫu thuật cắt túi mật giúp ngăn ngừa sỏi mới hình thành, loại bỏ các triệu chứng khó chịu liên quan đến túi mật như đau liên tục hoặc sau bữa ăn, đầy bụng, buồn nôn, sốt và ớn lạnh.
Túi mật có chức năng dự trữ mật. Dịch mật được bài xuất từ gan qua đường dẫn mật (ống gan) đến ống mật chủ đổ xuống ruột. Một ngày mật tiết ra khoảng 600-800 ml dịch giúp hoạt hóa men tụy, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi không nạp thức ăn vào cơ thể, dịch mật tiết ít và được cô đặc, dự trữ trong túi mật.
Sau khi cắt túi mật, mật chảy trực tiếp từ gan qua đường mật vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Người bệnh cắt túi mật có thể sinh hoạt, lao động bình thường. Một số trường hợp có thể cảm thấy đau tức nhẹ hoặc đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản… Các biểu hiện này được gọi là hội chứng sau cắt túi mật.
Các triệu chứng biểu hiện từ nhẹ đến nặng, dần hết do cơ thể điều chỉnh, thích nghi trong việc bài xuất và đóng mở phần van của ống mật chủ đổ xuống ruột gọi là cơ Oddi.
Triệu chứng của hội chứng sau cắt túi mật có thể cải thiện khi điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chế độ ăn như ăn đồ dễ tiêu, đồ lỏng, không ăn quá nhiều cùng lúc, có thể chia nhỏ thêm bữa phụ, giảm khẩu phần chất béo… Một số trường hợp có thể dùng thuốc giảm tiết axit dạ dày, giãn cơ trơn theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Lượng lưu ý phân biệt hội chứng sau cắt túi mật với các biến chứng khác như chảy máu, nhiễm trùng, xì rò, hẹp đường mật, nhiễm trùng đường mật với các biểu hiện đau hạ sườn phải, chướng bụng, sốt, tiểu vàng đậm, vàng mắt, vàng da. Người có các triệu chứng bất thường sau phẫu thuật cần khám lại để được siêu âm chụp chiếu, xét nghiệm máu sớm phát hiện bất thường và xử lý kịp thời, hiệu quả.
Trong khoảng ít nhất một tháng sau phẫu thuật, người bệnh cần tránh thực phẩm chứa chất béo, dầu mỡ hoặc đồ chiên, thực phẩm chế biến sẵn và có đường vì chúng dễ dẫn đến tiêu chảy, rối loạn điện giải. Hầu hết vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi hoặc tiêu chảy giảm dần trong vòng vài tuần sau mổ nhờ chức năng ruột và sức khỏe tổng thể được cải thiện, cân bằng.
Người bệnh cần chú ý các phản ứng của hệ thống tiêu hóa đối với thực phẩm tiêu thụ, nạp quá nhiều thức ăn trong một lần gây quá tải cho gan.
Hậu phẫu người bệnh nên tránh các thực phẩm gây kích thích như cà phê, trà, đồ uống chứa caffein trong tháng đầu, nhất là khi dùng tiếp các thuốc.
Trong những tháng đầu, hạn chế thực phẩm giàu chất xơ thô như súp lơ, bắp cải, các loại hạt, ngũ cốc, bánh mì… vì dễ gây khó tiêu, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Người bệnh nên dùng lượng nhỏ thực phẩm giàu chất xơ cùng chế độ vận động thể dục hợp lý.
Khi cơ thể thích nghi với việc không còn túi mật, trong những tháng sau khi phẫu thuật, thay đổi chế độ ăn uống, chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, lối sống khoa học, lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe và dần trở về sinh hoạt bình thường.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |