Cơ thể nạp quá nhiều đường làm tăng cảm giác đói, mệt mỏi, đường huyết cao, giảm năng lượng và nổi mụn nhiều hơn.
Theo Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), tiêu thụ lượng lớn đường, các tế bào có thể kháng hormone insulin theo thời gian, gây viêm hệ thống. Viêm nhiễm dẫn đến bệnh tiêu hóa, tiểu đường type 2 và các tình trạng mạn tính khác.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị phụ nữ, trẻ em không ăn quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày, 9 muỗng cà phê cho nam giới. Trẻ dưới hai tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại đường nào. Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn đường quá mức.
Tăng cảm giác đói và ăn nhiều hơn
Cảm giác đói tăng lên khi ăn đồ ngọt là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn tiêu thụ nhiều calo từ đường bổ sung. Món ăn nhanh, đồ ngọt, đồ uống có đường thường thiếu chất xơ, chất béo lành mạnh. Tiêu thụ những thực phẩm này, cơ thể đốt cháy đường nhanh chóng, tăng cảm giác đói. Tiêu thụ nhiều đồ ngọt cũng có thể ảnh hưởng đến hormone leptin ức chế cơn đói, dẫn đến muốn ăn nhiều hơn.
Mệt mỏi, giảm năng lượng
Theo nghiên cứu năm 2020 của Đại học Kansas (Mỹ), ăn nhiều đường có thể thúc đẩy chứng viêm, làm tâm trạng xấu đi và dẫn đến triệu chứng trầm cảm. Bữa ăn giàu đường, ít chất đạm, chất béo khiến đường huyết tăng lên nhanh hơn. Chất tạo ngọt này được hấp thu và tiêu hóa rất nhanh, sau khoảng 30 phút, cơ thể có thể cảm thấy đói, mệt mỏi.
Thèm ngọt nhiều hơn
Nếu bạn ăn đồ ngọt nhưng lại không thấy ngọt như trước có thể do tiêu thụ đường quá mức. Bởi não bộ đã quen với điều đó. Một số chất thay thế đường có thể đánh lừa bộ não, làm tăng cảm giác thèm đường hơn nữa.
Theo nghiên cứu năm 2009 của Đại học Texas (Mỹ), gia vị này làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc) và chính sự gia tăng dopamine tăng cảm giác thèm đường, tạo thành vòng luẩn quẩn.
Mụn trứng cá và nếp nhăn
Mụn trứng cá và nếp nhăn xuất hiện cũng là dấu hiệu cảnh báo. Lượng đường dư thừa gây ra tình trạng kháng insulin ảnh hưởng đến sự phát triển của mụn trứng cá. Glycation là sản phẩm của quá trình chuyển hóa lượng đường dư thừa, thúc đẩy quá trình lão hóa da và hình thành nếp nhăn.
Sâu răng
Vi khuẩn trong miệng thích ăn các loại đường. Nếu bạn có nhiều răng sâu và mắc bệnh nướu răng thì rất có thể tiêu thụ đường quá mức. Nên cắt giảm liều lượng sử dụng, súc miệng bằng nước sau khi ăn đồ ngọt. Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Mỹ), sữa, trà xanh, trà đen, rau củ quả giàu chất xơ, kẹo cao su không đường giúp ngăn ngừa sâu răng.
Các vấn đề về tiêu hóa
Đau dạ dày, chuột rút, táo bón hoặc tiêu chảy do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể liên quan đến đường. Bởi đây có thể là chất kích thích đường ruột gây ra các triệu chứng này.
Chất ngọt này ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu phát triển quá mức dẫn đến chứng loạn khuẩn. Sự mất cân bằng này dẫn đến các vấn đề về chuyển hóa, khả năng xử lý lipid và cholesterol của cơ thể.
Đường còn làm trầm trọng thêm hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng ở người đã phẫu thuật dạ dày. Thay thế thực phẩm nhiều đường bằng rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt cung cấp chất xơ để cải thiện bệnh.
Huyết áp cao
Nghiên cứu năm 2014 của Bệnh viện Griffin (Mỹ) cho thấy tiêu thụ đồ uống giàu đường có mối liên hệ với huyết áp cao và tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp. Nồng độ glucose (đường) cao làm hỏng niêm mạc mạch máu, khiến cholesterol dễ dàng dính vào thành mạch máu hơn. Khi các mạch máu bị cứng lại, huyết áp có thể tăng lên.
Sương mù não
Người thường xuyên ăn uống đồ ngọt có thể gặp vấn đề sự tập trung, trí nhớ, khả năng chú ý. Glucose là nguồn nhiên liệu chính của não nhưng dư thừa làm tăng đường huyết tác động tiêu cực đến nhận thức. Đường huyết cao có thể gây viêm trong não, tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức và tâm trạng.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp.