Từ nay tới năm 2028, các trường đại học phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục, nếu không có thể bị đình chỉ tuyển sinh và giải thể.
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nêu tại Hội nghị tập huấn triển khai thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ngày 22/3.
Thông tư này được Bộ ban hành hồi tháng 2 với 6 tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một trường đại học, gồm: tổ chức và quản trị, giảng viên, điều kiện dạy và học, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Ở mỗi tiêu chuẩn, Bộ đưa ra những tiêu chí cụ thể để các trường thực hiện.
Đồng thuận với các tiêu chí của Bộ, nhưng ông Lê Việt Phương, Đại học Nha Trang, băn khoăn về chế tài xử lý nếu các trường không đạt.
Ông ví dụ, thông tư quy định 70% giảng viên phải trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, quy định của Bộ về mở ngành thì yêu cầu trường phải có giáo sư, phó giáo sư. Nhóm này được kéo dài tuổi lao động thêm 5 năm so với quy định chung. Không có họ thì ngành học có thể bị đóng, còn nếu có thì gặp khó với tiêu chuẩn “trong độ tuổi lao động”.
“Nếu không có chế tài nào cho thông tư 01, các trường sẽ ưu tiên đảm bảo điều kiện mở ngành, tuyển sinh hơn”, ông Phương nhìn nhận.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết thời gian tới, khi sửa đổi các thông tư về điều kiện tuyển sinh, mở ngành, Bộ sẽ điều chỉnh các tiêu chí cho tương thích với chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Ông nói thêm trừ tiêu chí về diện tích đất đến năm 2030 mới áp dụng, Bộ yêu cầu đến cuối năm 2025 các trường phải đạt được tất cả chỉ số, tiêu chí. Thời điểm này, nhiều khả năng Bộ đã sửa đổi xong Nghị định 04 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sẽ có chế tài cho những trường không đạt tiêu chuẩn.
Theo Thứ trưởng, chuẩn cơ sở giáo dục đào tạo không chỉ liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mà là cơ sở để Bộ sắp xếp, quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học.
“Nếu không đạt chỉ số, các trường có ba năm để củng cố, cải tiến. Đến năm 2028, nếu vẫn không đạt, các trường có thể bị dừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đến khi toàn bộ sinh viên tốt nghiệp thì giải thể trường. Đó là chế tài mạnh nhất”, ông Sơn nói.
Ông dẫn ví dụ một trường quốc tế ở TP HCM gặp vấn đề tài chính, phải tạm dừng hoạt động, nhiều học sinh, gia đình khốn đốn, từ đó nhấn mạnh không thể để một trường đại học yếu kém hoạt động bình thường như những trường khác.
Một chủ đề được các đại biểu quan tâm là chỉ số diện tích phòng làm việc của giảng viên. Ông Vũ Văn Yêm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết theo quy định 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí nơi làm việc tại trường, tối thiểu 6 m2 mỗi cán bộ. Song đây là một thách thức.
Ông Yêm ví giảng viên đại học ở Việt Nam như ca sĩ chạy show, chỉ đến trường khi có tiết dạy, dạy xong rồi về, đôi khi vài tuần không đến trường. Lý do một phần vì không có không gian làm việc.
Đại diện một trường khác đề nghị xem lại chỉ số này vì đầu tư đủ phòng làm việc cho toàn bộ giảng viên đòi hỏi diện tích không nhỏ và có thể lãng phí khi nhiều giảng viên chỉ đến trường khi có giờ dạy.
Trả lời, ông Sơn cho rằng giảng viên ngoài thời gian lên lớp còn soạn bài giảng, trao đổi với sinh viên. Do đó, các trường cần đầu tư chỗ ngồi làm việc cho họ.
“Nếu có đủ phòng làm việc nhưng giảng viên không đến thì các trường cần xem lại cách quản trị của mình”, ông nói.
Theo Thứ trưởng, việc thực hiện chuẩn cơ sở đại học cũng là một cách giúp các trường phát huy quyền tự chủ, tăng hiệu quả trong quản lý các nguồn lực. Bộ ban hành chuẩn không nhằm mục đích xếp hạng nhưng chính các trường sẽ tự đối sánh với nhau.
Hiện, cả nước có 244 đại học, trường đại học. Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới đại học tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 30 đại học trọng điểm, tiến vào các bảng xếp hạng thế giới, gồm 5 đại học quốc gia, 18-20 trường trọng điểm ngành và 5 đại học vùng.
Lệ Nguyễn