Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi rót tiền vào HSG 4 phiên liên tiếp với giá trị mua ròng trong phiên ngày 17/6 lên đến 106 tỷ đồng, cao nhất 3 năm trở lại đây.
Sau hai phiên giảm cuối tuần trước, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) lội ngược dòng thị trường để tăng vọt trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu này đóng cửa tại giá trần 25.150 đồng và không có bên bán. Phiên tăng này tiếp tục giúp HSG phá vùng đỉnh 2 năm mới thiết lập vào giữa tuần trước.
Cổ phiếu HSG đã tăng gần 14% so với vùng giá đầu năm. Vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này cũng tăng tương ứng lên 15.492 tỷ đồng.
Không chỉ bật mạnh về thị giá, thanh khoản HSG cũng cải thiện đáng kể trong phiên giao dịch đầu tuần khi dẫn đầu sàn TP HCM về giá trị khớp lệnh với 1.082 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với phiên cuối tuần trước. Giá trị này đến từ hơn 43,7 triệu cổ phiếu được sang tay thành công.
Đà tăng đầu tuần của HSG có sự hỗ trợ đắc lực của dòng tiền ngoại. Cụ thể, khối ngoại đã chi 164 tỷ đồng để mua hơn 6,6 triệu cổ phiếu trong khi chỉ bán ra hơn 2,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 58 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng mạnh nhất của nhà đầu tư ngoại đối với HSG trong vòng 3 năm trở lại đây. Không chỉ vậy, khối ngoại cũng nối dài mạch mua ròng vào HSG phiên thứ tư liên tiếp với giá trị ngày càng tăng.
Bên cạnh động lực từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu HSG hôm nay còn nhận trợ lực từ sau khi cơ quan chức năng có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép tôn mạ đến từ nước ngoài. Cụ thể, ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán KB cho biết HSG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc được áp dụng nhờ thị phần số 1 và số 2 trong mảng tôn mạ (28,4%) và thép ống (12,4%). Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ nội địa đang có dấu hiệu hồi phục khi tiêu thụ tôn mạ và thép ống cũng lần lượt tăng 29% và 28% so với tháng trước. Tiêu thụ nội địa kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm nay nhờ lĩnh vực bất động sản dân dụng dần hồi phục, kéo theo các dự án mới được triển khai sẽ kích thích nhu cầu thép trong nước.
Nhóm phân tích của Chứng khoán KB khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 27.400 đồng. Với quan điểm lạc quan hơn, trong báo cáo công bố vào tháng 4, Công ty cổ phần chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng giá mục tiêu của HSG trong 1 năm tới là 28.400 đồng.
Động lực tăng trưởng của HSG, theo TPS, đến từ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, kỳ vọng kết quả kinh doanh có thể phục hồi trong niên độ tài chính 2023-2024 nhờ hoạt động bất động sản ấm dần lên, nhu cầu xây dựng trong nước khởi sắc khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và các biện pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản của Chính phủ có hiệu quả. Tiếp theo, biên lãi gộp của Hoa Sen có thể tiếp tục cải thiện nhờ tích trữ hàng tồn kho giá rẻ. Yếu tố cuối cùng là hoạt động xuất khẩu thép sang các thị trường lớn như Mỹ và EU tiếp tục tăng trưởng.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý II niên độ tài chính 2023 – 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 9.248 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 319 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 32,5% và 27,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, công ty ghi nhận doanh thu hơn 18.321 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế có bước chuyển lớn khi cùng kỳ lỗ 424 tỷ đồng đã sang lãi 422 tỷ đồng.
Niên độ 2023-2024, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1 có mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với niên độ trước.
Kịch bản 2 có mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến đạt 36.000ty3 đồng, tăng gần 14% và lãi sau thuế dự kiến lên 500 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với niên độ trước.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phieu-hoa-sen-hut-manh-dong-tien-nuoc-ngoai-d217866.html