Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Tới dự phiên thảo luận có: Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Thảo luận về kết quả giám sát, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi dẫn đến việc nhiều bộ, ngành, địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn gây thêm chi phí và tài chính không cần thiết cho doanh nghiệp. Đơn cử như hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp , hợp tác xã, hộ kinh doanh dẫn đến việc triển khai rất chậm gói hỗ trợ lãi suất này. Kết quả giải ngân chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch.
Chi đầu tư phát triển giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khoá song tiến độ giải ngân rất chậm, không đạt kế hoạch. Nhiều khoản chi đầu tư phát triển từ chương trình phục hồi kinh tế xã hội không đạt kế hoạch. Ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Gói hỗ trợ nhà mặc dù rất có ý nghĩa về mặt xã hội nhưng triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn chưa đạt được như kỳ vọng của người mua và doanh nghiệp, có đến 34,6% sử dụng vốn chương trình và giải ngân đạt dưới 50%; tỷ lệ giải ngân vốn so với tổng giải ngân vốn của 94 dự án này chỉ đạt 12%.
ĐB Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) chỉ rõ, công tác chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư nhiều dự án chậm, có dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần. Cá biệt có những dự án đến cuối năm 2023 kết thúc thời gian thực hiện nghị quyết vẫn chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư, hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần, chưa phê duyệt quyết định đầu tư, không đủ điều kiện bố trí vốn. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022-2023.
Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình đến ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng nhiều dự án không thể hoàn thành thực hiện và giải ngân trong năm 2024, cần tiếp tục gia hạn.
Một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra, cụ thể như: Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm; việc áp dụng thực hiện cơ chế đặc thù còn lúng túng ở một số địa phương. Có chính sách khi bắt đầu thực hiện đã không phù hợp, không thể thực hiện được đó là sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện chương trình sóng và máy tính cho em. Điều này cho thấy công tác đánh giá tình hình khi xây dựng chính sách chưa sát thực tiễn.
Theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), trong báo cáo giám sát đã phân tích rất rõ về những mặt tích cực cũng đã chỉ rõ một số hạn chế như tiến độ giải ngân chậm. Phải phân tích rõ hơn nội dung này, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Hầu như kỳ họp nào cũng nêu tiến độ giải ngân chậm. Nếu chỉ rõ được từng lý do gây ra tiến độ giải ngân chậm thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn. Ví như chậm bao nhiêu % do nền kinh tế hấp thụ thấp, không hấp thụ được.
Nguồn: https://daidoanket.vn/co-nhung-du-an-ket-thuc-thoi-gian-thuc-hien-van-chua-phe-duyet-duoc-chu-truong-dau-tu-10280764.html