Chiều 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Đưa các chính sách nhanh chóng vào cuộc sống
Các đại biểu Quốc hội thống nhất Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Các ý kiến tập trung phân tích kết quả được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế – xã hội do các yếu tố khách quan. Các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. Việc triển khai thực hiện áp dụng chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện cũng có những tồn tại, hạn chế. Về chính sách đầu tư phát triển, theo đại biểu, việc giải ngân vốn thuộc chương trình còn vướng mắc về vấn đề bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành như các quy định về bảo vệ khoáng sản, tận thu khoáng sản. Vướng mắc này còn làm cho nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng đến việc tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển chỉ giải ngân được 65,3% kế hoạch, tiến độ giải ngân nhiều dự án không đạt yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có trách nhiệm của một số bộ, ngành Trung ương cũng như một số địa phương thiếu sự triển khai quyết liệt.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội cần xem xét ban hành các cơ chế chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Phát biểu trao đổi về các vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, những ý kiến này sẽ là những bài học quý cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách sau này. Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình là rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng; tuy nhiên, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống.
Đề nghị kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất
Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, đại biểu Vũ An Tuấn (Phú Thọ) cho biết, đây là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Theo đại biểu, qua thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh), nhóm chính sách thành công, mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Trong Báo cáo cũng đã chỉ ra rõ nguồn lực dành cho cái chính sách này. Tuy nhiên, Quốc hội cần có sự đánh giá rõ thêm hiệu quả của chính sách mang lại.
Ngoài những nhận định mà chúng ta thấy rõ ràng là chính sách đã góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% còn góp phần vào tăng thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới.
Trao đổi tại hội trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, rằng bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị…Với vai trò là thành viên Chính phủ đã chứng kiến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên để cố gắng thực hiện các chương trình, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Sau khi có Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.
Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là một trong những chương trình của Nghị quyết 43. Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn. Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước bày tỏ tâm đắc với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ có doanh nghiệp và người dân.