Chiều ngày 23/11, nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2024), tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức một chuỗi sự kiện: Khánh thành Điện Thái Hòa, đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO và động thổ phục hồi Điện Cần Chánh, nhằm tôn vinh vẻ đẹp bất tận của di sản văn hóa dân tộc.
Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO – “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” , vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. |
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương.
Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Sự kiện là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của di sản trong việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.
Các đại biểu tham quan Điện Thái Hòa. |
Dịp này, không chỉ vinh danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” với sự công nhận của UNESCO, mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phục hồi, bảo tồn các công trình kiến trúc biểu tượng như Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh. Đây là minh chứng rõ ràng về cam kết bảo vệ di sản văn hóa và truyền tải niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi Lễ. |
Tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế. Để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.
Chương trình nghệ thuật tái hiện nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phương, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Văn Phương trân trọng cảm ơn Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Quốc gia; các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân… đã quan tâm, hỗ trợ tích cực cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn, quảng bá di sản thời gian qua và chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát huy hiệu quả, đưa Huế phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.” – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam UNESCO phát biểu tại buổi Lễ. |
Tại buổi Lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế – nơi mà công tác bảo tồn Di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Ba mươi năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này.
“Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, với UNESCO và Việt Nam – một quốc gia thành viên quan trọng của UNESCO, chính là công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới của chúng ta. Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng chính là các vấn đề của thế giới hiện đại khiến chúng ta phải tích cực hơn, như tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, đồng thời tối ưu hóa phúc lợi cho người dân. Để làm được những điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ sống trong và xung quanh di sản này.” – ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/co-do-hue-noi-di-san-thang-hoa-684145.html