Sau hàng chục lần làm thụ tinh nhân tạo thất bại (IVF), Helen Dalglish, ở Scotland, cuối cùng đã thành công mang thai con đầu lòng ở tuổi 53.
Quá trình thụ tinh nhân tạo kéo dài suốt 25 năm, tiêu tốn của bà và gia đình gần 100.000 bảng Anh. Tâm sự với Daily Record về niềm vui và những đau khổ trong quá trình sinh con, Dalglish cho biết bà không bao giờ từ bỏ ước mơ làm mẹ.
“Khi bạn nhận được phép màu nhỏ ở cuối con đường, bạn sẽ quên đi 25 năm vất vả. Tôi nhìn xuống chiếc bụng ngày càng to và nghĩ ‘mình có đang mơ không?'”, bà nói.
Dalglish chuyển đến đảo Síp ở độ tuổi 20, bắt đầu cố gắng có con với chồng mình vào năm 28 tuổi nhưng không thành công. Cả hai quay trở lại Scotland ngay sau đó để khám sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, xét nghiệm không cho thấy biến chứng nào, cả hai được chẩn đoán vô sinh vô căn.
Các bác sĩ ở Síp sau đó đã phát hiện vị trí tử cung của Dalglish bị lệch nghiêm trọng, khiến bà khó có con. Cặp đôi đã trải qua 4 lần thụ tinh trong tử cung, trong đó tinh trùng được đặt trực tiếp vào tử cung nhưng không thành công. Vì vậy, Dalglish và chồng quyết định thực hiện IVF.
Họ chỉ đủ điều kiện cho một đợt điều trị miễn phí trên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). 20 năm tiếp theo là những nỗ lực liên tiếp thất bại, dù phôi thai ban đầu chất lượng. Dù vậy, Dalglish vẫn kiên định với kế hoạch sinh con.
“Đôi khi, cảm xúc của tôi bị choáng ngợp. Quá nhiều gánh nặng về thể chất và tài chính”, bà tâm sự.
Trong khoảng thời gian cố gắng có con, Dalglish thỉnh thoảng phải dừng lại một hoặc hai năm để cơ thể nghỉ ngơi. Bà bắt đầu tập thiền định, yoga để có sức khỏe tốt hơn.
“Mỗi lần thất bại, cảm xúc của tôi sụp đổ, giống như trải qua một lần chết vậy. Tôi sẽ gục ngã trong vài tuần, nhưng sau đó đứng dậy với suy nghĩ: ‘Nếu mình muốn có đứa con này, cần phải hành động’. Tôi đã cố quên đi những thất bại và bắt đầu lại từ đầu”, bà nói.
Dalglish cũng liên tục lo lắng mỗi lần bác sĩ cố gắng chuyển phôi trở lại tử cung của bà, quy trình này gây đau đớn không thể chịu nổi. Bà phải dùng thuốc an thần cho những lần chuyển phôi, nhưng kết quả vẫn bằng không.
Hơn hai thập kỷ trong hành trình IVF của mình, Dalglish mang thai nhiều lần nhưng đều bị sảy.
“Đó là khi đôi 41 hoặc 42 tuổi. Thai kỳ chỉ được khoảng 9 hoặc 10 tuần. Đôi khi tôi gần như bỏ cuộc và tự bảo với mình rằng đừng trừng phạt bản thân như vậy. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy hình ảnh của đứa bé ngay cả trong mơ”, bà nói.
Dalglish sau đó quyết định sử dụng trứng của người hiến tặng, song cũng thất bại. Dù đã tạo 10 phôi khỏe mạnh, tất cả thai nhi đều chết khi chưa thành hình.
Trong cơn buồn bã, Dalglish quay trở lại Síp và quyết định thử lần cuối cùng ở Trung tâm Sinh sản Dunya. Sau hai lần chuyển phôi, cặp vợ chồng đã vô cùng sửng sốt khi nhận được email đậu thai trong vòng nửa tháng.
“Hai chúng tôi bật khóc và hét lên. Đó là những giọt nước mắt của nhẹ nhóm và hạnh phúc”, bà kể lại.
Trong quá trình mang thai, Dalglish mắc bệnh tiểu đường và tiền sản giật, tình trạng gây ra huyết áp cao. Nhưng mỗi tháng trôi qua, bà càng tin tưởng mình sẽ được gặp đứa con bé bỏng. Cuối cùng, bà thành công sinh Daisy Grace ở tuổi 53.
“Khi về nhà, tôi đã bật khóc. Cảm giác như 25 năm đau buồn đã kết thúc vào lúc tôi không ngờ tới. Con bé ngày càng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thoải mái và vui vẻ. Nó giống với những gì tôi mong đợi từ lâu. Tôi muốn cảm ơn tất cả nhân viên, bác sĩ. Con gái là món quà xứng đáng sau 25 năm chờ đợi”, bà nói.
Tiến sĩ Alper Eraslan, bác sĩ chính của Dalglish, cho biết quyết tâm của bà sẽ là nguồn cảm hứng cho những người khác, dù IVF là hành trình khó khăn về cả tâm lý, tài chính, thể chất.
Thục Linh (Theo Daily Mail)