CII muốn thoái vốn toàn bộ khỏi SII để thu tiền về nhưng bất thành do thanh khoản cổ phiếu quá thấp
CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) vừa thông báo về việc chưa thể thực hiện giao dịch bán toàn bộ 7,97 triệu cổ phiếu của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) như đăng ký trước đó. Lý do là bởi tình trạng thanh khoản thấp của mã cổ phiếu SII.
Lượng sở hữu của CII tại SII là 7,97 triệu cổ phiếu tương đương 12,36% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Văn Thành hiện đang là Phó tổng giám đốc CII cũng đồng thời là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SII.
Được biết, CII trong những tháng qua đã liên tiếp phải bán cổ phần tại SII. Trong đó, từ ngày 6/6/2023 đến 5/7/2023, CII đã bán ra tới gần 24,7 triệu cổ phiếu SII, giảm lượng sở hữu từ 50,62% xuống chỉ còn 12,36%. Tới nay, CII vẫn muốn tiếp tục thoái sạch vốn khỏi SII nhưng bất thành do thanh khoản của cổ phiếu quá thấp.
Động thái thoái vốn của CII diễn ra khi SII đã ghi nhận lỗ ròng tới 19 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời đây cũng là giai đoạn mà CII cho thấy sự mất cân đối về nguồn vốn, nợ vay tăng cao, áp lực chi phí lãi vay đè nặng lên dòng tiền của đơn vị.
Quý 2/2023 chỉ vừa thoát lỗ nhờ doanh thu hoạt động tài chính
Kết quả kinh doanh Quý 2/2023 gần nhất của CII ghi nhận doanh thu thuần 843,4 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu với 641,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 250,6 tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của công ty giảm từ 45,5% xuống chỉ còn 23,9%.
Đáng chú ý trong kỳ đó là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 259,5 tỷ lên 461,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 128,2%.
Phần lớn doanh thu hoạt động tài chính này được ghi nhận dưới dạng hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, tiền gửi và trái phiếu. Đây cũng là khoản doanh thu chính khiến cho lợi nhuận của công ty thoát lỗ trong Quý 2.
Chiều ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng thêm tới 41,2% lên mức 454,8 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí lãi vay đã chiếm tới 363,6 tỷ đồng. Tương đương với việc mỗi ngày CII đang phải trả lãi vay lên tới 4 tỷ đồng chưa kể các khoản chi phí khác.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng trong kỳ lần lượt ở mức 35,8 tỷ và 121,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Quý 2 đạt 83,3 tỷ đồng, giảm 34,3% so với cùng kỳ. Nếu không nhờ có khoản doanh thu tài chính 461,9 tỷ đồng thì CII cầm chắc thua lỗ trong Quý 2.
Áp lực từ khoản nợ vay 13.000 tỷ, CII định lấy đâu tiền để làm 6 dự án BOT 75.000 tỷ?
Tính tới hết Quý 2/2023, tổng tài sản của CII đã đạt 26.649,2 tỷ đồng, giảm 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó công ty đang giữ 954,6 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Đi cùng đó là khoản tiền gửi nhỏ 2,5 tỷ đồng cùng với 615,6 tỷ đồng ghi nhận trong mục đầu tư chứng khoán.
Một điều cần lưu ý trong cơ cấu nguồn vốn của CII đó là nợ vay ngắn hạn đã tăng từ 5.166,4 tỷ đồng lên 6.039,4 tỷ đồng. Tương đương với việc các khoản vay nợ ngắn hạn đã gia tăng thêm tới 615,6 tỷ đồng chỉ trng 6 tháng đầu năm.
Nợ vay dài hạn cũng đang chiếm 7.112,3 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả khoản nợ ngắn hạn thì tổng lượng nợ vay của CII đã lên tới 13.151,7 tỷ đồng. Khoản nợ vay này hiện đang cao hơn vốn chủ của CII tới 62,2%.
Vừa qua, CII cũng đã dự định trình cổ đông trong ĐHĐCĐ bất thường 2023 về phương án nghiên cứu 6 dự án BOT tổng mức đầu tư 75.000 tỷ đồng.
Các dự án bao gồm: Cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng; Nâng cao năng lực thông hành khu vực Tây Bắc TP HCM với 19.059 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với 11.982 tỷ đồng; Dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh với 10.108 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với 6.625 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường Cao tốc TP HCM – Trung Lương với 5.048 tỷ đồng.
Với khoản vay nợ khổng lồ 13.000 tỷ cùng áp lực trả lãi vay lên tới 4 tỷ mỗi ngày, vẫn chưa rõ CII định lấy nguồn tiền ở đâu để thực hiện 6 dự án BOT nêu trên?