Áp lực tài chính từ đòn bẩy tài chính để đầu tư BOT
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã CII) được thành lập từ năm 2001 và bắt đầu niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ năm 2006. Hoạt động kinh doanh chính của công ty tập trung vào 3 mảng: cầu đường giao thông, hạ tầng nước và hạ tầng bất động sản.
Hiện tại, CII đang vướng phải vấn đề xung quanh cơ cấu nguồn vốn có tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao, nợ cao vượt vốn chủ. Vấn đề này từng được CII nêu trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023.
CII cho biết trong 5 năm qua, tổng tài sản của công ty đã tăng thêm 7.850 tỷ đồng (từ 20.709 tỷ lên 28.559 tỷ đồng) trong khi vốn điều lệ gần như không thay đổi, chỉ ở mức 2.800 tỷ đồng. Điều này đã khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính bị đẩy lên cao.
Theo giải trình của CII thì đây là kết quả của chiến lược đầu tư bằng đòn bẩy tài chính của công ty nhằm giảm thiểu sự pha loãng giá trị cổ phiếu khi phát hành tăng vốn. Hệ quả là lượng nợ vay tăng lên, áp lực tài chính cho CII tương đối lớn do các nguồn vốn tín dụng chỉ có thời hạn 5-7 năm trong khi các dự án BOT lại có thời gian thu phí hoàn vốn cao hơn vậy rất nhiều.
Có thể hiểu vấn đề mà CII gặp phải đó là công ty đang vay nguồn vốn trung hạn để đầu tư dài hạn. Điều này đã gây nên áp lực tài chính cho hoạt động kinh doanh.
Tính đến hết quý 3/2023, nợ phải trả của CII đang chiếm 18.022,6 tỷ đồng, tương ứng 69,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, công ty đang vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.106,6 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 7.791,1 tỷ đồng. Tổng lượng nợ vay và thuê tài chính của công ty là 12.897,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, CII cũng đang ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm 2.039,7 tỷ đồng cùng khoản phải trả dài hạn 2.032,2 tỷ đồng khác trên BCTC.
Về chi phí tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2023, CII phải chi trả chi phí tài chính tới 1.170,2 tỷ đồng. Trong đó có tới 920 tỷ đồng tiền chi trả lãi vay. Như vậy, mỗi tháng CII đang phải chi trả tới hơn 100 tỷ đồng lãi vay, tương ứng áp lực trả lãi vay hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày, chưa kể tới các nghĩa vụ phải trả khác.
Kế hoạch phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu để tái cơ cấu nguồn vốn, liệu có nợ chồng nợ?
Trong tài liệu ĐHĐCĐ bất thường 2023, CII đã công bố kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn bằng cách phát hành thêm gần 7000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Trong đó bao gồm 2.400 tỷ đồng trái phiếu thời hạn trên 10 năm, được bảo lãnh thanh toán bởi một tổ chức tài chính quốc tế xếp hạng tín dụng AA- mà công ty đang đàm phán. Ngoài ra, công ty cũng chào bán thêm 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu, thời hạn trái phiếu là 10 năm. Trước mắt, CII đã làm việc với UBCKNN về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành 2.840 tỷ đồng.
Theo ước tính của CII thì tỷ lệ đòn bẩy: nợ phải trả/vốn của CII ở mức 2,2 lần (tính đến hết quý 2/2023) sẽ giảm xuống chỉ còn 1,1 lần sau khi chuyển đổi toàn bộ lô trái phiếu 4.500 tỷ đồng thành cổ phần.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng điều này chỉ xảy ra trong trường hợp lô trái phiếu trên chuyển đổi thành cổ phần công ty. Ngược lại, nếu việc chuyển đổi không được diễn ra thì nguồn vốn bổ sung này sẽ vẫn tính là nợ. Công ty sẽ lâm vào tình trạng nợ chồng nợ.
Tổng giám đốc CII và vợ thoái sạch vốn để mua trái phiếu chuyển đổi, cổ đông băn khoăn
Cũng xoay quanh câu chuyện phát hành trái phiếu chuyển đổi của CII, thời gian qua cổ đông công ty cũng đang rất băn khoăn khi ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc cùng vợ mình đã thoái sạch vốn để lấy tiền mua trái phiếu chuyển đổi.
Cụ thể, ông Bình đã bán 6 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,13% xuống còn 0% vốn điều lệ. Bà Hằng, vợ ông Bình bán 4 triệu cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,41% xuống còn 0%. Cả 2 giao dịch đều được thực hiện từ 10/10 đến 23/10.
Tại buổi họp ĐHĐCĐ bất thường, ông Bình đã lên tiếng trấn an cổ đông. Theo ông Bình thì việc ông bán cổ phiếu đi là để có nguồn vốn mua trái phiếu chuyển đổi của CII. Cũng theo ông Bình thì vị thế của ông với công ty không thay đổi sau các giao dịch bán cổ phiếu trên.
Trong giai đoạn ông Bình và vợ bán ra 10 triệu cổ phiếu CII, ghi nhận giá CII đã liên tiếp giảm từ 18.400 đồng/cổ phiếu xuống còn 15.600 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy CII đã giảm 15,2% giá trị khi ông Bình và vợ mình “xả hàng”. Đồng nghĩa với việc cổ đông đại chúng tạm thời chịu thiệt do cổ phiếu CII mất giá 15,2% trong giai đoạn 10/10 đến 23/10.
Giữ đúng lời hứa của mình, ông Lê Quốc Bình đã đăng ký mua 10 triệu quyền mua trái phiếu chuyển đổi mã CII42301. Bà Hằng, vợ ông Bình cũng đăng ký mua 6 triệu quyền mua trái phiếu chuyển đổi CII42301. Thời gian giao dịch từ 26/10 – 9/11.
Trái phiếu mã CII42301 được CII phát hành với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Ước tính ông Bình và vợ đã bỏ ra khoảng 162 tỷ đồng để mua lượng trái phiếu chuyển đổi này.
Khi giao dịch hoàn tất, ông Bình và vợ sẽ trở thành trái chủ, tương đương vị thế là chủ nợ của CII. Nếu chuyển đổi lượng trái phiếu này thành cổ phần, ông Bình và vợ sẽ lại lần nữa trở thành cổ đông của CII.
Tuy nhiên, trong trường hợp lượng trái phiếu này không được chuyển đổi thành cổ phần, ông Bình và vợ sẽ ở vị thế trái chủ, tương đương chủ nợ của CII. Với vị thế này của ông Bình và vợ sẽ được ưu tiên trả nợ trước các cổ đông khác trong trường hợp CII bị phá sản. Đây thực sự là vấn đề mà nhiều cổ đông cảm thấy băn khoăn.
Quay trở lại với câu chuyện tái cơ cấu nguồn vốn của CII, giả định tương tự cũng có thể xảy ra. Nếu lượng 4.500 tỷ đồng trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phần, CII sẽ theo đúng viễn cảnh vẽ ra, giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính từ 2,2 xuống còn 1,1 lần. Nhưng nếu trái phiếu không được chuyển đổi thành cổ phần, CII sẽ lâm cảnh nợ chồng thêm nợ.