Thái Khang, du khách ở TP HCM, đã lặn khám phá xác 8 con tàu đắm trong Thế chiến II và bơi cùng “nàng tiên cá” dugong ở đảo Coron, Philippines.
Mai Thái Khang (27 tuổi, TP HCM) dành 9 ngày (từ 19 đến 27/5) để lặn khám phá những con tàu đắm ở Coron, sau khi trải nghiệm 6 ngày lặn ở Panglao, Philippines.
Coron là hòn đảo lớn thứ ba trong quần đảo Calamian ở miền bắc Palawan, nằm trong Dự trữ Sinh quyển Palawan được UNESCO công nhận ở tây nam Philippines. Palawan được ví như thiên đường du lịch, lọt top 10 hòn đảo đẹp nhất thế giới năm 2019, theo CNN. Trong đó, Coron gây ấn tượng cho du khách bởi những vách đá vôi, hang động sơ khai, rừng nhiệt đới, bãi tắm thơ mộng và sạch sẽ. Nơi đây còn sở hữu một vùng đất lịch sử nằm sâu dưới đáy biển, là nơi tập trung nhiều tàu chiến, tàu chở hàng Nhật Bản bị đánh chìm trong Thế chiến thứ II. Coron cũng từng được tạp chí Forbes bình chọn nằm trong 10 địa điểm lý tưởng dành cho môn lặn biển.
Khang cho biết chi phí lặn ở Phillippines khá rẻ, hết khoảng 37 triệu cho cả hai nơi trong 15 ngày, gồm chi phí lặn 25 triệu đồng, ăn ở khoảng 7 triệu đồng và vé máy bay khoảng 5 triệu đồng.
Đam mê lặn khám phá tàu đắm, ngoài chứng chỉ lặn cơ bản Open Water Diver và chứng chỉ lặn nâng cao Advanced Open Water, Khang còn lấy thêm chứng chỉ Wreck (chứng chỉ lặn tàu đắm) ở đảo Koh Tao (Thái Lan). Với chứng chỉ lặn tàu đắm này, Khang được phép bơi vào trong những khoang tàu đắm để chiêm ngưỡng, khám phá.
Khang đã lặn khám phá 8 trên tổng số 10 con tàu đắm khổng lồ nằm dưới đáy biển Coron, bao gồm: Akitsushima, Okikawa, Olympia, Morazan, Kogyo, Lusung Gunboat, Teru Kaze, Irako. Theo chia sẻ từ hướng dẫn viên (HDV) của Khang, đây là những tàu chiến, tàu chở hàng của Nhật Bản bị đắm vào năm 1944, cuối thời kỳ Thế chiến thứ II. Những chiếc tàu lớn và dài đến nỗi không thể nhìn thấy toàn bộ con tàu vì phần tối của đáy biển ở độ sâu từ 3 – 43 m. Ngủ yên trong gần 80 năm, chúng đã được thiên nhiên chiếm dụng làm nơi trú ngụ của nhiều sinh vật biển như cá, rùa, sên biển, hải sâm cùng những rạn san hô đa dạng.
Khang ấn tượng nhất với con tàu đắm Kogyo Maru (Nhật Bản) được chế tạo vào năm 1927, một trong những xác tàu lớn nhất tại Coron. Đây là tàu chở hàng bị phá hủy bởi lực lượng Mỹ vào ngày 24/9/1944. Tàu nằm nghiêng ở độ sâu từ 16 – 34 m, dài khoảng 129 m.
Bên trong tàu, hầu hết các máy móc và vật liệu xây dựng như chồng bao xi măng, máy ủi, đòn bẩy, máy trộn xi măng còn nguyên vẹn trong phòng máy động cơ, nhưng đã bị che lấp tầm nhìn bởi san hô và phù du. Một số các bộ phận kích thước lớn hơn như bánh răng, lò đốt than vẫn còn có thể nhìn rõ hình dạng.
Trải nghiệm chui vào các khoang, lỗ hổng để khám phá không gian tối tăm, sâu thẳm không nhìn thấy đáy, chỉ loe lóe vài tia sáng lọt vào từ các vết nứt trên thân tàu giống như phân cảnh trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.
“Cảm giác như lạc vào mê cung trong lúc tuy tìm báu vật dưới một công trình cổ đại bị nhấn chìm vậy”, Khang nói.
Sau khi lặn tàu đắm, Khang đến Vườn Quốc gia (VQG) Calauit ở phía bắc Coron để lặn cùng dugong, hay còn gọi là bò biển, cá cúi. Dugong là nguồn gốc của truyền thuyết mỹ nhân ngư vì cho con bú giống như con người. Chúng thường bơi trong tầng nước sâu 2 – 10 m, có thể dài từ 3 – 4 m, nặng đến 450 kg, theo trang web Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã. VQG Calauit có khoảng 30 cá thể dugong sinh sống quanh đảo.
Mỗi tour lặn với dugong sẽ có 4 khách, tour guide và hai kiểm lâm của VQG đi cùng giám sát. Lặn cùng dugong luôn phải giữ khoảng cách tối thiểu 5 m và mỗi nhóm chỉ có khoảng 15 – 20 phút để lặn.
Dugong có kích thước lớn nên dù trông như đang đứng yên nhưng thực tế chúng lướt đi rất nhanh trong nước. Vì giới hạn thời gian ngắn nên Khang phải liên tục bơi đuổi theo. Khang khuyên du khách nên tập freedive (lặn tự do) nếu muốn trải nghiệm bơi cùng dugong.
Giá lặn ở Coron rẻ hơn so với những nơi khác nhưng trải nghiệm mang lại đáng giá hơn mong đợi. Ở châu Á, gần như chỉ có Coron là có những xác tàu đắm to, hoành tráng và nguyên vẹn như vậy, Khang cho biết. Coron cũng để lại ấn tượng với Khang về độ sạch bởi trong suốt hành trình, anh không hề nhìn thấy rác trên cầu cảng, bãi tắm hay trên biển.
Nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, Philippines có hai mùa: mùa mưa (tháng 6-11) và mùa khô (tháng 12-5). Tháng 4 và tháng 5 là thời điểm biển êm, thời tiết đẹp nhất để lặn biển ở Coron. Vào mùa mưa, Phillipines phải hứng chịu nhiều trận bão hình thành từ biển Thái Bình Dương, nên tránh đến đây vào thời điểm này. Một lưu ý khác là nếu muốn bơi vào trong những khoang tàu đắm, du khách cần có chứng chỉ Wreck (chứng chỉ lặn tàu đắm).
“Trước đây tôi chỉ được học, nghe kể về Chiến tranh thế giới thứ II qua sách vở. Nay được tận mắt chứng kiến những chiếc tàu của thời kỳ đó, những di tích từng làm chấn động cả hành tinh nằm dưới đáy biển, giống như một phần lịch sử bị lãng quên, cảm giác vừa bồi hồi vừa phấn khích”, Khang nói.
Quỳnh Mai
Ảnh NVCC