Cho rằng thuần túy dựa vào điểm số không đánh giá được đam mê, đạo đức của thí sinh, nhiều chuyên gia đề xuất thêm bài luận, phỏng vấn để tuyển sinh ngành Y.
Cả nước hiện có 27 trường đào tạo ngành Y khoa, phương thức tuyển sinh chủ yếu là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ biến theo tổ hợp ba môn Toán, Hóa, Sinh (B00) hoặc Toán, Lý, Hóa (A00). Năm nay, việc một số trường đại học dùng thêm tổ hợp có môn Văn để xét tuyển đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều.
Ngoài ra, theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp không còn đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đầu vào của ngành Y, nhất là với những ngành cạnh tranh cao như Y khoa và Răng – Hàm – Mặt. Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các trường Y, Dược cũng cần gấp rút chuẩn bị phương thức tuyển sinh phù hợp.
Nhiều năm qua, điểm chuẩn vào Y khoa luôn nằm trong top cao nhất cả nước. Năm ngoái, ngành Y khoa của những cơ sở đào tạo lớn lấy điểm chuẩn dao động 26,45-28,15 ở tổ hợp truyền thống B00. Trong đó, cao nhất là trường Đại học Y Hà Nội.
Tuy nhiên, nguyên lãnh đạo một trường đại học đào tạo Y khoa lớn ở phía Nam cho biết từng khảo sát và nhận thấy những sinh viên có điểm đầu vào cao chưa chắc đã học tốt.
TS Đàm Quang Minh, chuyên gia giáo dục, nói một số giảng viên ở các trường Y từng chia sẻ với ông rằng nhiều sinh viên đã bỏ học, stress nặng sau khi chuyển sang giai đoạn thực tập bệnh viện hoặc học 5-6 năm mới nhận ra mình không phù hợp.
Nhiều em đăng ký học Y với suy nghĩ đã thi đạt điểm cao thì nên vào ngành có điểm chuẩn cao. Sau 5-6 năm học, việc thay đổi đã muộn và cái giá phải trả nếu thay đổi nghề nghiệp lúc này quá lớn. Các em chấp nhận học và làm nghề một cách cầm chừng.
Theo GS Đặng Vặn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Trưởng khoa Y của Đại học Quốc gia TP HCM, nếu không có đam mê, bác sĩ sẽ rất nhanh chán nghề, làm việc cầm chừng và dễ đi vào con đường sai trái.
“Nhưng đam mê, đạo đức không phản ánh hoàn toàn qua điểm số”, GS Đặng Vạn Phước chia sẻ.
Cho rằng nguyên nhân là điểm thi ba môn không phản ánh hết trình độ, tố chất, mức độ phù hợp của một thí sinh với ngành Y, các chuyên gia nhận định khối trường Y, Dược cần thay đổi cách tuyển sinh, có thể bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào điểm số.
GS Đặng Vạn Phước nhìn nhận tuyển sinh ngành Y nên có thêm vòng phỏng vấn. Theo ông, sau khi qua vòng sơ loại bằng điểm thi tốt nghiệp, học bạ hoặc điểm thi đánh giá năng lực, các thí sinh được một hội đồng gồm bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giảng viên phỏng vấn về kiến thức xã hội, quan điểm phục vụ con người, đạo đức và tố chất khác để xem có phù hợp với ngành Y không. Ngoài ra, thí sinh cần có thêm một bài luận trình bày lý do, đam mê, định hướng khi chọn ngành này.
Đây cũng là hướng tuyển sinh mà TS Đàm Quang Minh và TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đồng tình. Theo ông Khuyến, thi vấn đáp là hình thức chọn lọc được nhiều trường nổi tiếng trên thế giới áp dụng.
“Trước đây, tôi học ở Đại học Tổng hợp Lomonosov của Nga, sau khi sơ tuyển, thí sinh phải thi viết. Sau vòng thi viết, thí sinh tiếp tục thi vấn đáp. Nếu không trúng tuyển ở các vòng sau, họ quay về thi vào các trường đại học địa phương. Đó mới là cách chọn nhân tài thực sự”, ông Khuyến kể.
Việc này cũng tương đồng với tuyển sinh đầu vào bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản và Mỹ.
Tốt nghiệp tiến sỹ Y khoa tại Đại học Kyoto, bác sĩ Nguyễn Đình Nam của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, cho hay ở Nhật Bản phần lớn trường tuyển sinh đầu vào ngành Y theo hai vòng. Ở vòng 1, thí sinh phải vượt qua các bài kiểm tra về Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Toán, tiếng Anh. Vòng 2, họ phải viết luận và tham gia phỏng vấn.
Còn tại Mỹ, Trịnh Mai Chi, nghiên cứu sinh tiến sỹ Y khoa, Đại học Johns Hopkins, cho hay vòng phỏng vấn cuối cùng là một trong những yếu tố quyết định một ứng viên có được nhận hay không.
Cụ thể, ở vòng 1, các trường Y xét thành tích học tập ở đại học, điểm bài thi MCAT (có 4 phần, gồm: Cơ sở sinh học và hóa sinh của hệ thống sự sống; Cơ sở hóa học và vật lý của các hệ thống sinh học; Cơ sở tâm lý, xã hội và sinh học của hành vi và Kỹ năng Phân tích phản biện và lý luận), chứng chỉ hoàn thành một số môn học ở bậc đại học (Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Tâm lý, Xã hội học, Ngôn ngữ) và kinh nghiệm lâm sàng của ứng viên. Ở vòng 2, trường đưa ra đề bài và yêu cầu ứng viên viết bài luận. Sau hai vòng, họ gọi khoảng 30% số ứng viên vào vòng phỏng vấn.
“Qua phỏng vấn, họ đánh giá được kỹ năng ứng xử, cách đối nhân xử thế của ứng viên”, Chi nói.
Trong bối cảnh các trường Y, Dược vẫn tuyển sinh bằng điểm thi ba môn, GS Đặng Vạn Phước cho rằng đó nên là Toán, Hóa, Sinh. Với những ý kiến khuyến khích đưa môn Văn vào tổ hợp tuyển sinh vì bác sĩ cũng cần thuyết phục, cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân, ông tôn trọng nhưng không cùng quan điểm.
“Bác sĩ phải thuyết phục bệnh nhân bằng cơ sở khoa học và kiến thức y học chứ không phải bằng lời nói êm ái, sáo rỗng”, GS Phước nói, nhìn nhận một người học giỏi Toán, Hóa, Sinh thì khả năng môn Văn không tệ, đủ để viết, trình bày, giao tiếp một cách hoàn chỉnh, thậm chí mạch lạc, logic.
Hơn nữa, ngành Y có thời gian đào tạo 6 năm với một số môn học liên quan như Cuộc sống bệnh viện, Tâm lý và đạo đức y khoa, Giáo dục sức khỏe, Phương pháp nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo và thực hành tại bệnh viện, sinh viên sẽ được thầy cô, đồng nghiệp đi trước chỉ bảo, rèn luyện y đức, kỹ năng chia sẻ, thấu hiểu tâm lý người bệnh. Các em cũng được học cách viết luận văn, bệnh án nên các kỹ năng đều có thể bổ sung trong quá trình học.
Còn GS.TS Nguyễn Hữu Tú mong muốn khối trường Y, Dược dùng công cụ tuyển sinh chung, bằng cách thống nhất tổ hợp môn thi, đặt hàng một số đơn vị đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Thí sinh chỉ cần thi một lần nhưng có thể dùng kết quả xét tuyển vào nhiều trường.
“Việc này vừa có khả năng lọc ảo, vừa đảm bảo chất lượng và giảm lãng phí”, ông Tú nói.
Lệ Nguyễn – Dương Tâm