Theo các chuyên gia, với mục tiêu đánh giá công tâm, xem xét việc kiểm soát quyền lực nhà nước đang là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Sáng 20-12, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”.
Việc thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực còn chưa đồng bộ
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Trường Sơn – hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết đây là chủ đề hết sức quan trọng và thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
“Nhà nước pháp quyền không chỉ là mục tiêu mà còn là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó quyền lực nhà nước phải được phân công, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát một cách hiệu quả để phục vụ lợi ích của nhân dân.
Đây không chỉ là một yêu cầu chính trị, mà còn là yêu cầu pháp lý để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc thực thi quyền lực”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, bên cạnh những thành công nhất định trong việc xây dựng thể chế và quy định pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, vẫn còn những thách thức cần giải quyết như việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, việc thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực còn chưa đồng bộ và hiệu quả.
Kết quả của hội thảo sẽ đóng góp cho việc hoàn thiện quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Quốc Sửu – phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia – cũng cho rằng với mục tiêu đánh giá công tâm, xem xét việc kiểm soát quyền lực nhà nước đang là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Để phân công quyền lực nhà nước phù hợp?
GS.TS Trần Ngọc Đường – ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đề xuất các giải pháp để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp: cần rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hiến định để phân công quyền lực nhà nước phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, hoặc không phù hợp, cản trở lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi quyền; củng cố cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy thực thi quyền hành pháp…
Bàn về vấn đề phân công giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, TS Dương Hồng Thị Phi Phi – trưởng bộ môn lịch sử nhà nước và pháp luật, khoa luật hành chính – nhà nước Trường đại học Luật TP.HCM – đã làm rõ quyền lập pháp là nhánh quyền lực quan trọng trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước.
Để bảo đảm thực hiện quyền lập pháp thật sự hiệu quả thì phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền này là một kỹ thuật quan trọng hàng đầu, vì phân công là cơ sở để phối hợp và là tiền đề để kiểm soát việc thực hiện quyền.
Bằng những cách thức khác nhau, pháp luật nước ta đã ghi nhận và quy định sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp ngày càng phù hợp.
Tuy nhiên, quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn những bất cập nhất định: việc xác nhận giới hạn phạm vi nội dung quyền lập pháp chưa rõ ràng trong Hiến pháp và chưa có sự giải thích bởi cơ quan có thẩm quyền; việc phân định giữa quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp vẫn còn một số bất cập.
“Trong thời gian tới cần tiếp tục có những sửa đổi về quy định pháp luật hiện hành, trong đó cần tập trung vào xác định phạm vi của quyền lập pháp trong Hiến pháp, phân định rõ hơn quyền lập pháp với hoạt động lập pháp; giới hạn những lĩnh vực, nội dung mà chỉ có thể thực hiện bằng luật, những vấn đề không thể ủy quyền; hiến định đầy đủ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể nhận ủy quyền lập pháp, mạnh dạn loại bỏ thẩm quyền ban hành pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, bà Phi kiến nghị.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-gia-luat-de-xuat-giai-phap-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-20241220143655446.htm