Nhóm các nhà khoa học gồm: Tina I. Lam, Christina C. Tam, Larry H. Stanker và Luisa W. Cheng đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên Tạp chí điện tử của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5198571/) xuất bản ngày 16.12.2016, kèm theo 62 công trình nghiên cứu tham khảo liên quan với chủ đề “Các vi sinh vật có lợi ức chế quá trình nội hóa tế bào biểu mô của Botulinum Neurotoxin Serotype A”.
Kết quả đã chỉ ra tính khả thi của giải pháp sử dụng các vi sinh vật có lợi (probiotics) để ức chế và làm giảm thiểu tác động có hại của vi khuẩn C.botulinum và các độc tố do chúng tạo ra.
Đặc biệt, các giải pháp đưa ra trong thực nghiệm khi sử dụng các loại men vi sinh rất phổ biến có bán trên toàn thế giới và Việt Nam, bao gồm các chủng vi khuẩn: Lactobacillus Acidophilus và Lactobacillus Reuteri (có trong men tiêu hóa, men vi sinh), Saccharomyces Boulardii (nấm men hỗ trợ tiêu hóa), Lactobacillus Casei (có trong sữa chua). Các chủng lợi khuẩn và nấm men này rất dễ mua được ở các cửa hàng thuốc tân dược với sự hỗ trợ tư vấn của dược sĩ.
Độc tố Botulinum đến từ đâu?
Độc tố Botulinum được tạo ra từ vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum). Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động, có khả năng sinh sôi nhanh chóng trong hệ đường ruột của vật chủ. Đặc biệt, khi gặp điều kiện khắc nghiệt chúng có khả năng tạo nha bào. Do đó vi khuẩn C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên như đất vườn, phân động vật, nước ao hồ, và đặc biệt là có thể phát triển sinh sôi trong điều kiện thiếu oxy như đồ hộp, túi hút chân không chứa thịt, cá, pate để lâu ngày.
Quá trình ăn uống, sinh hoạt của con người, sự xuất hiện của vi khuẩn C.botulinum trong đường ruột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng việc nhiễm độc hiếm khi xảy ra, bởi lẽ là do sức đề kháng, khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại của các lợi khuẩn (probiotics) trong đường tiêu hóa hoặc do lượng vi khuẩn không đủ mạnh để vượt qua các hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Cơ chế tấn công của vi khuẩn C.botulinum
Vi khuẩn C.botulinum khi gặp điều kiện thuận lợi có thể sinh sôi bùng nổ trong những môi trường có chứa nhiều dinh dưỡng nhưng thiếu ô xy. Bởi nếu trong điều kiện tự nhiên, các tác động bởi môi trường cũng như sự sinh sôi và phát triển của các loại vi khuẩn khác có thể sẽ lấn át quần thể C.botulinum.
Những trường hợp phổ biến nhất của những ca ngộ độc do vi khuẩn C.botulinum gây ra thường đến từ việc sử dụng thực phẩm được bảo quản lâu ngày trong các hộp kín khí, như thịt hộp, cá hộp, pate đóng hộp, túi hút chân không. Trong những môi trường như vậy, các vi khuẩn sinh sôi, phát triển và tạo ra độc tố Botulinum và trở thành nguồn “thuốc độc kép”, bao gồm một lượng lớn vi khuẩn Botulinum và các độc tố do quần thể vi khuẩn tạo ra.
Khi thực phẩm chứa độc tố và vi khuẩn có hại được đưa vào đường ruột qua việc ăn uống, độc tố sẽ tác động vào hệ thần kinh, đồng thời các vi khuẩn Botulinum với số lượng lớn sẽ bùng nổ và tiếp tục tạo ra độc tố mới. Do tốc độ tác động của độc tố, cũng như khả năng nhân bản của vi khuẩn Botulinum rất cao nên các trường hợp ngộ độc thường xảy ra hậu quả rất nhanh chóng, có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong cho con người.
Cơ chế phòng vệ của cơ thể con người trước vi khuẩn C.botulinum
Vi khuẩn C.botulinum xuất hiện ở khắp mọi nơi nhưng việc nhiễm độc không xảy ra phổ biến bởi trong cơ thể con người có rất nhiều “hàng rào sinh học” để bảo vệ con người trước các vi khuẩn có hại nói chung và vi khuẩn C.botulinum nói riêng.
Đầu tiên, có thể kể đến màng nhầy đường ruột, peptide kháng khuẩn có vai trò ngăn cản việc xâm nhập của vi khuẩn có hại vào dưới lớp niêm mạc. Tiếp đến là hệ sinh thái vi sinh vật đường ruột có chứa nhiều nhóm vi khuẩn có lợi cộng sinh (probiotics) sẽ lấn át và cạnh tranh với sự tồn tại của vi khuẩn có hại, ngăn chặn sự phát triển bùng nổ của chúng.
Các chất độc nếu được vi khuẩn có hại tạo ra sẽ được các vi sinh vật có lợi xử lý một phần, phần còn lại sẽ được cơ thể xuất hiện tín hiệu báo động và tìm cách đào thải ra ngoài. Trong cuộc sống, chúng ta thường gọi đó là hiện tượng nôn mửa, đi ngoài, còn gọi theo cách dân gian là “miệng nôn, trôn tháo”. Đó là cơ chế bảo vệ rất quan trọng của cơ thể trước sự tấn công của độc tố và vi khuẩn có hại.
Tuy nhiên, cơ chế này sẽ không hoạt động hiệu quả nếu hệ tiêu hóa của con người có quá ít các vi sinh vật cộng sinh – probiotics hoặc lượng vi khuẩn có hại và lượng độc tố cao vượt ngưỡng chịu đựng.
Sử dụng men tiêu hóa (probiotics) để xử lý nhiễm độc Botulinum
Qua các công trình nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu quốc tế có uy tín, các vi khuẩn có lợi (probiotics) ngoài việc hỗ trợ khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm, còn có các vai trò quan trọng trong việc xử lý hiện tượng nhiễm độc do các vi khuẩn gây hại bởi các cơ chế: tiêu diệt, ức chế quần thể vi khuẩn có hại theo cơ chế cạnh tranh; xử lý, phân giải các chất độc, trong đó có độc tố tự nhiên do vi khuẩn có hại gây ra và thậm chí là ngăn cản tác động của các kim loại nặng.
Vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống
Với các kiến thức nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể có những giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do vi khuẩn có hại gây ra như: Hạn chế việc sử dụng các thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là thực phẩm đóng hộp quá hạn.
Các thực phẩm đồ hộp đã mở nắp sau đó tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh sẽ vẫn có thể là nơi tạo ra nguồn độc tố nguy hiểm từ vi khuẩn có hại; Thường xuyên sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều vi khuẩn có lợi như men vi sinh, sữa chua, trái cây lên men đường, cơm rượu nếp… bởi trong những môi trường mà vi khuẩn có lợi (probiotics) phát triển, các vi khuẩn có hại sẽ bị ức chế, tiêu diệt.
Khi xuất hiện hiện tượng đau bụng, nôn mửa, có thể cấp tốc sử dụng hỗn hợp men tiêu hóa (probiotis) và mật ong hoặc nước đường đậm đặc (prebiotics) để tạm thời ức chế việc phát triển của vi khuẩn và tác động của độc tố. Hoặc sử dụng sữa chua trộn với mật ong với lượng nhiều hơn mức thông thường. Đây là giải pháp sơ cứu ngộ độc có cơ sở khoa học. Sau đó cần đưa người ngộ độc đến các cơ sở y tế để tiếp tục theo dõi, điều trị.
PGS-TS bác sĩ Phạm Thị Lý, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Y dược Hải Phòng, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa Sinh, nay là giảng viên cơ hữu Trường ĐH Thăng Long Hà Nội, cho biết: Một số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây do C.Botulium gây nên hoang mang lo sợ trong cộng đồng như ngộ độc pate chay, ngộ độc tập thể trong trường học, ngộ độc thực phẩm đường phố… Để điều trị bệnh nhân ngộ độc Botulium rất tốn kém về kinh tế và sự đe dọa đến tính mạng người bệnh rất cao. Bài viết đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn khách quan, khoa học từ cách tự phòng tránh đến cách sơ cứu ban đầu rất hiệu quả với những thứ có sẵn xung quanh ta như men tiêu hóa, sữa chua, mật ong, nước hoa quả lên men…
Những kiến thức mà tác giả đưa ra rất khách quan, khoa học với nhiều tài liệu tham khảo về kết quả nghiên cứu lâm sàng của nhiều nhà khoa học đáng tin cậy. Rất cám ơn tác giả về những thông tin trọng tâm, đúng thời điểm.