“MÊ TUỒNG CHI LẠ”
Nghệ sĩ Phan Văn Quang mở đầu câu chuyện về sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật tuồng xứ Quảng bằng 2 chữ may mắn. Ông bảo, may mắn là bởi ông được gặp những người thầy giỏi, những bạn diễn thân thương luôn hỗ trợ ông hết mình. Nhưng theo ông, may mắn hơn cả đó là ngay từ đầu, ông được chọn làm kép chính để rồi có nhiều cơ hội tỏa sáng trên sân khấu. Dẫu vậy, lần ngược hành trình mới thấy, nếu chỉ có may mắn mà không có năng khiếu, kiên trì rèn luyện và đặc biệt là đam mê thì sẽ không có một đạo diễn tuồng Phan Văn Quang tài năng như hôm nay.
“Mùa hè năm 1987, từ quê Quế Thọ (H.Hiệp Đức, Quảng Nam), tôi đến Trà My thăm người thân thì Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam – Đà Nẵng đến biểu diễn. Tôi xem rồi mê tuồng ngay. Về nhà, tôi lấy bẹ chuối soạn làm trang phục, dụng cụ rồi tự vào các vai. Cuối năm cấp 3, tôi thi đậu và được đoàn tuồng tuyển làm diễn viên. Đi học dự thính một thời gian, tôi buộc phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình. Lang bạt làm ăn nhưng trong sâu thẳm, tôi không thể nào quên tuồng. Tôi trở lại quê hương tham gia phong trào tuồng không chuyên và đoạt giải xuất sắc. Đây chính là cơ hội để tôi trở lại đoàn tuồng và được học lên cao. Nhiều người bảo tôi mê tuồng chi lạ. Còn tôi thì có cảm giác tuồng đã ngấm vào máu thịt mình rồi”, ông Quang kể.
Với năng khiếu thiên bẩm cộng sự nỗ lực của bản thân, ông Phan Văn Quang đã thành công với nhiều vai chính trong các vở diễn. Đặc biệt, từ sau năm 2015, khi trở thành NSƯT, ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn cấp quốc gia, như: giải vàng vai diễn Thi Sách trong vở Trưng vương (2015); huy chương vàng vai diễn Trần Phong trong vở Như những tượng đài (2016), huy chương vàng vai diễn Đổng Kim Lân trong vở Sơn Hậu, giải diễn viên tuồng xuất sắc cho vai Lê Đại Cang trong vở Hoạn lộ (2020)… Là một nghệ sĩ giàu ý chí và luôn nỗ lực để chinh phục đỉnh cao nghệ thuật tuồng, ông Quang đã hoàn thành lớp đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội năm 2015.
Trong gần 10 năm làm đạo diễn, nghệ sĩ Phan Văn Quang đã dàn dựng hàng chục vở diễn để lại ấn tượng sâu sắc cho những người yêu tuồng, như: Nàng Tấm, Rực lửa hoàng cung, Người thầy của muôn đời… Đầu năm 2024, ông Phan Văn Quang được trao tặng danh hiệu NSND.
TUỒNG SÂU SẮC NHƯNG PHẢI GẦN GŨI
Kể về những kỷ niệm với các vai diễn, NSND Phan Văn Quang cho biết ông thành công nhất với vai chính trong vở Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan. Đây là vai có tâm lý biểu diễn cực kỳ khó khi nhân vật chính phải đấu tranh để giữ chữ trung quân trong khi Trụ vương làm những điều xằng bậy. “Một vai tâm trạng rất khó, nghệ thuật biểu diễn khó, động tác khó”, ông Quang kể và cho biết: “Vai diễn thứ 2 mà tôi tâm đắc là vai nhân vật lịch sử Trần Bình Trọng. Đây cũng là vai lớn và cũng rất khó về nghệ thuật biểu diễn, trình thức múa, trình thức hát… Làm sao phải thể hiện được tư tưởng lớn, sự nghĩa khí của Trần Bình Trọng, đòi hỏi mình phải nghiên cứu kỹ càng, khi biểu diễn phải hóa thân vào nhân vật”.
Trưởng thành từ một diễn viên biểu diễn trực tiếp, cho đến khi là một đạo diễn, NSND Phan Văn Quang thấy mình có lợi thế nắm biết tâm lý biểu diễn, trình thức biểu diễn rồi đặc trưng của nghệ thuật tuồng, nên chắc chắn một điều, những vở tuồng do ông đạo diễn sẽ mang hơi thở tuồng đậm đà hơn, không lai dân ca, cải lương… “Khi biểu diễn, tôi biết chỗ nào hành động, chỗ nào là ước lệ. Diễn viên tôi chọn vào vai chính, vai thứ sẽ là lựa chọn phù hợp nhất trên cơ sở hiểu từng con người”, ông Quang nói. Để một vở tuồng chỉn chu, đi vào lòng người, ông cũng đòi hỏi kỹ năng ở diễn viên rất cao. Ông làm thị phạm và yêu cầu diễn viên nỗ lực để “tải” được tư tưởng của nhân vật. Ông làm được 9 điểm thì diễn viên cũng phải 8 điểm, dưới là không được. Bởi ông quan niệm, tương lai nghệ thuật tuồng nằm ở lớp trẻ, ông có khắt khe một chút nhưng sẽ tạo được nền tảng để các diễn viên vững tin làm nghề và truyền nghề về sau.
NSND Phan Văn Quang bảo, ông có chút buồn khi đi diễn mà bên dưới ít khán giả, người trẻ không mặn mà gì. Tuy nhiên, tham gia các chương trình đưa tuồng vào trường học, ông Quang phấn chấn khi thấy các em học sinh hào hứng với những màn trình diễn. Tùy theo độ tuổi mà những vở diễn được chọn giới thiệu đến các em sẽ tải những nội dung phù hợp. Qua đó, ông cùng các diễn viên dẫn dắt các em tìm hiểu tuồng nhiều hơn. Lấy sự cống hiến cho nghệ thuật tuồng là hạnh phúc cuộc đời, ông Quang tự nhận sứ mệnh của mình là đưa tuồng ngày càng gần gũi hơn với công chúng.
“Bác Hồ từng dạy, tuồng hay nhưng “chớ giậm chân tại chỗ, cũng chớ gieo vừng ra ngô”. Vậy làm sao biến tấu tuồng để các bạn trẻ dễ hiểu nhưng vẫn giữ được chất truyền thống. Chẳng hạn, những vở hoàn toàn bằng chữ Hán thì phải dịch ra. Tác phẩm tuồng của Trung Hoa thì phải VN hóa để người xem hiểu được nội dung muốn truyền tải là gì, hướng con người về đâu”, ông Quang gợi mở. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhat-nghe-tinh-chuyen-cua-nsnd-tuong-tre-nhat-da-thanh-185241219234028444.htm