Trong khuôn khổ triển lãm Đường tới Điện Biên đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có buổi trò chuyện về họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng 11-5. Tên tuổi của họa sĩ đã thu hút rất đông người tham dự.
Hóa thạch những vẻ đẹp người Việt
Là một trong những nhân viên đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (thành lập vào năm 1966), nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết họa sĩ Tô Ngọc Vân học khóa 2 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Tiếp xúc với các trường phái phương Tây do các giáo sư người Pháp dạy khiến các khuynh hướng nghệ thuật cổ điển, ấn tượng và hậu ấn tượng phương Tây ảnh hưởng lớn đến Tô Ngọc Vân, đặc biệt là trong các bức họa trước năm 1945.
Giai đoạn sáng tác này Tô Ngọc Vân để lại nhiều tác phẩm tràn đầy ánh sáng, vẽ phong cảnh và phụ nữ rất đẹp.
Trong đó có bức Hai thiếu nữ và em bé hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được công nhận bảo vật quốc gia.
Nói về bức tranh này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – khẳng định Tô Ngọc Vân đã hóa thạch vẻ đẹp của người đàn bà Việt trong không gian yên bình có dàn hoa phù dung ngoài hiên.
Ông hóa thạch vẻ đẹp của những thiếu nữ thị thành một thời, một vẻ đẹp muôn thuở chưa bao giờ cũ mà ngày nay rất khó tìm thấy.
Theo ông Đoàn, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân ảnh hưởng lớn của nghệ thuật châu Âu hiện đại nhưng tác phẩm của ông rất thuần Việt, đường nét mềm mại và cách xử lý đĩa màu rất nhuần nhị đậm hồn Việt.
Tới giai đoạn 1945-1954 lại là một Tô Ngọc Vân khác, một chiến sĩ dũng cảm trên các nẻo đường chiến dịch.
Bà Hải Yến kể năm 1944 tình hình rất căng thẳng, Trường Mỹ thuật Đông Dương tạm thời đóng cửa, chia làm hai nhóm.
Một nhóm gồm những sinh viên điêu khắc và kiến trúc, theo thầy hiệu trưởng về Đà Lạt. Một nhóm gồm các sinh viên hội họa, theo họa sĩ Nam Sơn, Tô Ngọc Vân và giáo sư người Pháp đi Đường Lâm, Sơn Tây.
Từ Sơn Tây các họa sĩ này tiến về Việt Bắc, hình thành hai tổ chức là Trường Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và Hội Văn nghệ Việt Bắc do họa sĩ Trần Văn Cẩn làm chủ tịch.
Từ hai tổ chức này đã mở ra một giai đoạn mới của mỹ thuật Việt Nam, chấm dứt thời kỳ cận đại với các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương.
Ở kháng chiến, tuy rất bận rộn giảng dạy sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam (vẫn được gọi là khóa kháng chiến), nhưng ngay khi trường vừa mãn khóa vào cuối năm 1953 thì họa sĩ Tô Ngọc Vân lập tức cùng các anh em và học trò của mình tiến về Điện Biên Phủ để vẽ ký họa chiến trường.
Và trên chính hành trình này, tháng 6-1954 Tô Ngọc Vân hy sinh gần đèo Lũng Lô khi trận Điện Biên Phủ vừa kết thúc.
Ông Đoàn nói những bức ký họa chiến trường Tô Ngọc Vân để lại cho thấy người nghệ sĩ chuyển từ hội họa hàn lâm sang những nét vẽ chân thực nhất để khắc họa dung nhan, tính cách người Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ bà bầm đến thiếu nữ chân quê.
“Chính Tô Ngọc Vân là linh hồn của khóa kháng chiến. Ông đã phát hiện những sinh viên tài năng như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa…, lặng lẽ truyền lửa cho họ mà không áp đặt một quan niệm nào của mình lên họ”, ông Lương Xuân Đoàn nói.
Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân về bảo tàng
Chuyện bức tranh quý này của họa sĩ Tô Ngọc Vân về được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam theo bà Nguyễn Hải Yến, là một may mắn lớn của bảo tàng và cũng là may mắn lớn của tác phẩm.
Tốt nghiệp ĐH Văn hóa năm 1964, bà Yến về làm việc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang được thành lập từ năm 1962.
Trước khi bảo tàng được thành lập chính thức vào năm 1966 thì họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – đã cử học trò, nhân viên của mình đến các gia đình ở Hà Nội sưu tập những tác phẩm mỹ thuật cận đại. Rất may mắn lúc bấy giờ có nhà nhiếp ảnh Lê Vượng được ông Nguyễn Đỗ Cung mời về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam làm việc.
Ông Lê Vượng quen nhiều người trong giới nghệ sĩ, trong đó ông chơi rất thân với nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân ở số nhà 30 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Thấy bạn mình làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Đỗ Huân có lần nói với ông Lê Vượng nhà ông có bức tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Hội Mỹ thuật Việt Nam hay mượn đi triển lãm, nên ông Huân nói ông Vượng mang bức tranh về bảo tàng.
Nhờ đó bức tranh Em Thúy đã có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sau đó cũng chính ông Huân chỉ cho ông Vượng có một gia đình ở Hà Nội đang giữ bức tranh Hai thiếu nữ và em bé của họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Đó là gia đình bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng. Ông Vượng đã đến thuyết phục vị bác sĩ nổi tiếng này và ông đã đồng ý nhượng lại bức tranh về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nay thì bức tranh đã trở thành bảo vật quốc gia.
Những đêm mất ngủ của Tô Ngọc Vân
Tại buổi trò chuyện, họa sĩ Tô Ngọc Thành – con trai danh họa Tô Ngọc Vân – đã kể về hai đêm mất ngủ của cha mình khi đến vẽ Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ.
Ông Thành kể năm 1946 cha mình cùng một số họa sĩ đã đến Bắc Bộ phủ để vẽ chân dung Bác Hồ.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân xin phép Bác vẽ trong ba ngày và hoàn thiện trong ba tuần. Bác trả lời là vẽ trong ba tháng cũng là phải chứ đừng nói là ba tuần.
Nghe Bác nói, họa sĩ Tô Ngọc Vân nhận ra Bác rất hiểu nghệ thuật cần có thời gian mới sáng tác tốt được.
Họa sĩ rất xúc động, về mất ngủ cả đêm vì thấy vị lãnh tụ có thể hiểu thấu đáo về nghệ thuật như vậy.
Đêm mất ngủ thứ hai của họa sĩ Tô Ngọc Vân là hôm vẽ Bác xong, Bác Hồ hỏi họa sĩ Tô Ngọc Vân có mấy người con.
Khi họa sĩ trả lời có bốn con thì Bác lấy trong ngăn kéo ra bốn chiếc kẹo bột gói trong giấy báo đưa cho Tô Ngọc Vân mang về cho con mà không lấy những chiếc kẹo ngon nhập ngoại ở trên bàn.
Một lần nữa nghệ sĩ lại nhận được một thông điệp quý giá từ người lãnh tụ của dân tộc: Nghệ thuật là phải có tính dân tộc. Tô Ngọc Vân lại trằn trọc mất ngủ thêm một đêm nữa vì bài học ấy.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-chua-biet-ve-nhung-dem-mat-ngu-cua-hoa-si-to-ngoc-van-va-buc-tranh-thanh-bao-vat-20240512085042175.htm