Trước đây, AEON tại Hong Kong nhập chuối Philippines và Đài Loan, nhưng từ 2023 đến nay, hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị này.
Thông tin được ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ trong tọa đàm “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” do Vụ Thị trường châu Âu – Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM.
Theo ông Yuichiro Shiotani, năm ngoái, tập đoàn này đã đưa chuối tươi Việt Nam vào 91 điểm bán của siêu thị ở Hong Kong. 100% chuối tươi đang được bày bán là nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi trước đó sản phẩm này do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.
Lý do khiến tập đoàn chọn hàng Việt do chất lượng cao. Hoạt động sản xuất chuối tại Việt Nam áp dụng hình thức kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình trồng và chế biến, doanh nghiệp sản xuất không có phát sinh chất thải bên ngoài. “Quy trình này đáp ứng được tiêu chí bền vững của tập đoàn”, ông Yuichiro Shiotani nói.
Ngoài chuối, sắp tới xoài tươi được AEON thu mua 100% từ Việt Nam thay vì Thái Lan và Philippines như trước. Dự định sản lượng chuối sẽ tăng lên gấp đôi so với năm 2023.
Theo nhà bán lẻ Nhật Bản, trong xu thế tiêu dùng hiện nay, các nhà thu mua đã nâng cao tiêu chí, trong đó, ngoài giá thì sản phẩm phải thân thiện với môi trường và giao hàng nhanh.
Tượng tự, ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam (Tập đoàn Lulu) vốn là nhà mua hàng lớn của Ấn Độ, cho biết nhu cầu thu mua các sản phẩm từ Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh.
Công ty này cũng đang lên kế hoạch mua nhiều hơn các sản phẩm hạt điều bóc vỏ và làm việc trực tiếp với các nhà máy. Ngoài ra, tập đoàn cũng tìm kiếm những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như nước trái cây đóng lon, nước dừa, hạt điều nhân, cá ngừ đóng hộp… với mong muốn định vị sản phẩm Việt Nam ở phân khúc cao hơn.
Với thị trường Mỹ, đại diện hệ thống siêu thị Walmart cho rằng có khoảng 500 doanh nghiệp đang cấp hàng cho siêu thị. Tuy nhiên, đa phần là doanh nghiệp FDI, còn công ty thuần Việt chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu là nhà cung cấp thứ cấp. Sắp tới, nếu doanh nghiệp Việt có sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững sẽ dễ dàng để tiếp cận người tiêu dùng tại Mỹ.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các tiêu chí của các nhà phân phối. Điển hình như Walmart hay Costco, Amazon đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Họ đề cao yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, lao động.
Doanh nghiệp cần xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ bán buôn đến bán lẻ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp với hiệp hội ngành hàng tại các bang, nhà phân phối, cơ quan xúc tiến để tham gia triển lãm, hội chợ, mở rộng việc kết nối. Việc tham gia vào sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) diễn ra ngày 6-8/6 tại TP HCM cũng là cách để doanh nghiệp dễ dàng bắt tay hơn với nhà phân phối.
Thi Hà