Lại “sập” ATC, dòng tiền cuồn cuộn bắt đáy
“Sập” ATC là hiện tượng đã xuất hiện từ lâu ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong những ngày gần đây, nhà đầu tư phải chứng kiến tình trạng “sập ATC” quay trở lại.
Trong phiên chứng khoán 17/10, VN-Index khác lạc quan trong suốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, ngay trước đợt ATC, chỉ số bất ngờ lao dốc, giảm sâu khiến nhà đầu tư hoang mang.
Tới phiên chứng khoán 18/10, nhà đầu tư không bị “mắc bẫy ATC” nữa. VN-Index giảm điểm ngay từ đầu phiên. Phần lớn thời gian trong ngày, bảng giao dịch điện tử chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đà giảm là không đáng kể. VN-Index gần như đi ngang. Chính vì vậy, nhà đầu tư không quá bi quan vào thị trường.
Dù vậy, tình trạng “sập ATC” lại một lần nữa khiến nhà đầu tư nhức nhối. Không lâu trước khi VN-Index bước vào đợt giao dịch ATC, VN-Index bất ngờ “đổ dốc” giảm rất sâu.
Đóng cửa phiên chứng khoán 18/10, VN-Index giảm 18,25 điểm, tương đương 1,63% xuống 1.103,4 điểm; VN30-Index giảm 15,47 điểm, tương đương 1,36% xuống 1.125,56 điểm. Cũng như hôm qua, đà bán tháo chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa.
Toàn sàn TP HCM chỉ có 53 mã tăng giá, 32 mã đứng giá và có tới 465 mã giảm giá. Nhóm VN30 ghi nhận 2 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 25 mã giảm giá. 2 blue-chips hiếm hoi chốt phiên chứng khoán 18/10 trong sắc xanh là SSI và VJC.
Trong nhóm blue-chips, nhóm ngành bán lẻ có tốc độ lao dốc mạnh nhất trong phiên chứng khoán 18/10. MSN giảm 2.700 đồng/CP, tương đương 3,8% xuống 68.300 đồng/CP, MWG giảm 1.600 đồng/CP, tương đương 3,46% xuống 44.700 đồng/CP, PLX giảm 1.000 đồng/CP, tương đương 2,78% xuống 35.000 đồng/CP,…
Một trong những tâm điểm của thị trường chứng khoán 18/10 là lực cầu bắt đáy đã xuất hiện. Sàn TP
HCM có tới hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 21.855 tỷ đồng được giao dịch thành công, tăng mạnh so với con số hơn 13.000 tỷ đồng của ngày hôm qua.
Trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản sàn TP HCM luôn đứng ở mức thấp, đứng ở vùng “đáy” của năm 2023.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ có tốc độ giảm nhẹ hơn. Đóng cửa phiên chứng khoán 18/10, HNX-Index giảm 2,92 điểm, tương đương 1,27% xuống 227,11 điểm; HNX30-Index giảm 2,47 điểm, tương đương 0,52% xuống 475,82 điểm.
Cổ phiếu xây dựng, bất động sản đua nhau giảm sàn
Trong phiên chứng khoán 18/10, sàn TP.HCM có 465 mã giảm giá, trong đó có tới 32 mã giảm sàn. Đáng chú ý, trong danh sách các mã chốt phiên với sắc xanh hòa bình, rất nhiều cổ phiếu thuộc ngành xây dựng, bất động sản.
Cụ thể, chốt phiên chứng khoán 18/10, BCG giảm 590 đồng/CP xuống 7.910 đồng/CP, CII giảm 1.100 đồng/CP xuống 15.050 đồng/CP, DIG giảm 1.500 đồng/CP xuống 20.350 đồng/CP, DLG giảm 150 đồng/CP xuống 2.090 đồng/CP, DXS giảm 470 đồng/CP xuống 6.330 đồng/CP,…
Hiện tại, một trong những cổ phiếu không thuộc ngành bất động sản nhưng sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư chứng khoán. Đó là SRC của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng.
Chỉ trong khoảng nửa tháng gần đây, SRC đã tăng rất mạnh, tăng 60% lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên trong 2 phiên gần đây, SRC đã bắt đầu giảm sàn. Đóng cửa phiên 18/10, SRC dừng ở mức 25.300 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, phiên chứng khoán 18/10 có một điểm sáng hiếm hoi. Đó là cổ phiếu CCI của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp – Thương mại Củ Chi. Trong 2 phiên “sập ATC”, CCI vẫn ngược dòng thành công khi duy trì được sắc tím. Đóng cửa phiên chứng khoán 18/10, CCI tăng 1.450 đồng/CP lên 22.550 đồng/CP.
Tuy nhiên, CCI không đại diện cho nhóm ngành nào vì khối lượng giao dịch của mã này rất thấp, chỉ từ vài trăm tới vài nghìn cổ phiếu.