Dư luận đặt câu hỏi: chứng chỉ hành nghề nhà giáo có thực sự cần thiết và có làm phát sinh thủ tục hành chính, tăng gánh nặng chi phí đối với nhà giáo hay không?
Dự thảo Luật Nhà giáo dành Mục 2, Chương III với 3 điều (Điều 15, 16, 17) để đề cập đến nội dung “chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo”. Theo dự thảo, chứng chỉ hành nghề là điều kiện để tuyển dụng; tạo điều kiện cho nhà giáo mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế. Việc này cũng nhằm bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người dạy học tự do, đồng thời là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và không cần qua sát hạch là những nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày luật này có hiệu lực thi hành. Ngược lại, những người được tuyển dụng sau ngày luật này có hiệu lực thi hành, kể cả đã tốt nghiệp trường sư phạm vẫn cần vượt qua sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Cùng với đó, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu cũng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Các chuyên gia xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo nêu quan điểm: với việc cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo chỉ có được chứ không mất gì và việc này không gây khó cho nhà giáo đang hành nghề vì đương nhiên họ được cấp.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nói như vậy là chưa đúng và chưa đủ bởi mới chỉ đề cập đến nhóm người đang hành nghề; còn với những người tốt nghiệp sư phạm, sắp và sẽ hành nghề nhà giáo sẽ có rất nhiều cái mất, đó là mất thời gian, mất chi phí, mất công sức. Hơn nữa, một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ sát hạch nội dung gì? Muốn được sát hạch thì có phải tham gia khóa học không, học phí thế nào và để có chứng chỉ, tổng chi phí là bao nhiêu?…
Còn không ít nội dung liên quan đến chứng chỉ hành nghề nhà giáo chưa làm thỏa mãn đội ngũ đã, đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, giáo dục. Đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc về việc chứng chỉ hành nghề nhà giáo có thật sự cần thiết không?
Nếu vẫn giữ nguyên quan điểm phải có chứng chỉ hành nghề, nên chăng, Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điều khoản “đã tốt nghiệp ở trường sư phạm thì được cấp chứng chỉ hành nghề”, chỉ sát hạch với những người không tốt nghiệp từ các trường sư phạm; sẽ cấp chứng chỉ hành nghề đối với những người đủ điều kiện, có thời gian giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ 5 năm trở lên hoặc với những người đủ điều kiện và có nhu cầu cấp chứng chỉ.
Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học. Vấn đề hàng triệu nhà giáo quan tâm là tới đây lương của nhà giáo có được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp hay không. Còn vấn đề chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo thì vẫn cần xem xét trên quan điểm toàn diện, nhân văn nhất. Nếu việc cấp chứng chỉ làm tăng chi phí, gây phiền hà cho người làm nghề giáo thì cần cân nhắc kỹ để nhà giáo thấy hạnh phúc, thoải mái, hài lòng với ngành nghề mình đã học và đã chọn.
Nguồn: https://danviet.vn/chung-chi-hanh-nghe-nha-giao-co-that-su-can-thiet-20240805070000099.htm